Hy vọng từ ca sửa tim kết hợp ghép phổi đầu tiên
Hà NộiChị Hà 30 tuổi, trở lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tái khám sau một tháng phẫu thuật ghép phổi đồng thời sửa tim.
by VnExpressNgày 13/2 là lần kiểm tra định kỳ đầu tiên của chị Hà sau ca mổ tiên phong sửa tim kết hợp ghép phổi, ở bệnh viện Việt Đức. Kết quả, sức khỏe của Hà ổn định, các bác sĩ dặn dò cần uống thuốc đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Cơ thể từ từ hồi phục. Chị Hà cho biết đã có thể tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, chủ động ăn uống, tắm rửa và tập luyện nhẹ nhàng trong nhà.
"Sức khỏe của tôi đã cải thiện hơn nhiều kể từ ngày xuất viện, tôi cảm thấy rất vui", Hà nói.
Hà mắc bệnh thông liên nhĩ lỗ lớn bẩm sinh, nằm trong danh sách chờ ghép phổi của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ cuối năm 2018. Khi đó bệnh của Hà đã ở giai đoạn cuối, thường xuyên bị thiếu ôxy, tím môi và các đầu chi. Lượng ôxy cung cấp cho cơ thể thấp khiến Hà không thể lao động được. Giải pháp duy nhất để cứu sống Hà là ghép phổi.
Sau hơn một năm chờ đợi, Hà được phẫu thuật vào ngày 17/12/2019. Trước ca mổ, nhóm bác sĩ hội chẩn rất kỹ lưỡng, đề xuất 2 phương án điều trị cho Hà. Nếu tim của bệnh nhân đủ khỏe, bác sĩ sẽ phẫu thuật vá lỗ liên thông của tim sau đó ghép phổi. Trong trường hợp tim của Hà đã suy giảm chức năng, các bác sĩ sẽ ghép cả tim và phổi.
Cuối cùng, nhóm bác sĩ quyết định chọn phương án thứ nhất. Bác sĩ Phùng Duy Hồng Sơn, quyền Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, cho biết đã đánh giá kỹ lưỡng chức năng tim của Hà. Các bác sĩ chỉ phẫu thuật khi chắc chắn tim phục hồi sau đó và bệnh nhân có đủ sức khỏe để chịu đựng ca đại phẫu kéo dài. Phương án phẫu thuật này phức tạp và nhiều rủi ro, song có lợi cho sức khỏe bệnh nhân.
Hà là bệnh nhân đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được sửa tim và ghép phổi đồng thời.
"Thành công của ca ghép phổi đặc biệt này có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội chữa bệnh cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam", bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng ngực nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Chi Lê