EVFTA: Cơ hội để Việt Nam bước vào thị trường rộng lớn
by Hồng Sơn(HNMO) - Chiều 14-2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “EVFTA - Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ”, với sự tham gia của một số đại diện cơ quan chức năng.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường rộng lớn, có sức mua hàng đầu thế giới. Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đánh dấu một giai đoạn mới, với những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Đó cũng là một cách đánh giá tầm quan trọng, kết quả tích cực của quá trình cải cách kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trong giao thương quốc tế... Trên thực tế, Chính phủ, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, khẳng định người dân và doanh nghiệp là trung tâm của cải cách kinh tế...
Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, EVFTA đánh dấu thành công của nền kinh tế nước ta trong hội nhập; thể hiện bản lĩnh và quyết tâm mở rộng quan hệ thương mại với EU, tạo thời cơ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển... Không gian thị trường cho hàng hóa Việt Nam được mở rộng rất đáng kể, hướng tới sự thịnh vượng chung cho cả hai bên. Đặc biệt, khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường như trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, EVFTA sẽ mở ra thị trường giàu tiềm năng cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường này thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD giá trị nông sản mỗi năm và dư địa cho hàng nông sản Việt đang còn nhiều. Đây là thị trường có khả năng chi trả cao nhưng cũng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhất là yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ... Từ đó, mỗi đơn vị cần tập trung cho đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để bảo đảm sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu về sản lượng và tiêu chuẩn của đối tác.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, chắc chắn người lao động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi có thêm việc làm theo hướng cạnh tranh và bền vững hơn; sẽ có thu nhập cao hơn nhưng cũng sẽ xuất hiện sự dịch chuyển về lao động và yêu cầu về điều kiện, chất lượng lao động cao hơn. Nhìn chung, Việt Nam cũng cần đáp ứng tốt hơn và bảo đảm sự hài hòa trong quan hệ lao động với EU...