Trời nồm ẩm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp: Làm gì để bảo vệ bản thân?
Thời tiết nồm ẩm những ngày gần đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, trong đó có cả bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra. Vậy cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trong tiết trời “ẩm ương” này?
Sương mù dày đặc, mưa phùn, độ ẩm cao là đặc trưng của thời tiết miền Bắc trong vài ngày trở lại đây. Không chỉ gây ra nhiều phiền toái khi các vật dụng trong nhà luôn trong tình trạng ẩm ướt, mà kiểu thời tiết nồm ẩm này còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, trong đó có cả bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virus sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong kiểu thời tiết này bao gồm: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…
Theo các chuyên gia, đối tượng dễ trở thành nạn nhân của các bệnh lý đường hô trong tiết trời ẩm ương này chính là trẻ em - Hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện và kém thích nghi với sự thay đổi thất thường của thời tiết và người già - Hệ miễn dịch bị suy giảm do tuổi tác và do tác động của các nền bệnh lý đặc trưng (tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch).
Ho, sốt, chảy nước mũi là triệu chứng chung của nhiều bệnh về đường hô hấp thường gặp trong thời tiết nồm ẩm. Một thói quen khó bỏ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy của người Việt chính là tự chẩn đoán bệnh cho mình rồi tự mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh quen dùng để điều trị tại nhà.
BS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, chớ nên chủ quan trước những dấu hiệu tưởng như bình thường này, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Theo chuyên gia này, chảy mũi trong, sốt nhẹ, ho có thể là biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh viêm phổi và việc tự ý điều trị, không qua chẩn đoán bệnh của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm. “Diễn tiến của bệnh viêm phổi rất nhanh, có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ, nhưng khi xuất hiện triệu chứng khó thở, thở rít mới đưa đến viện thì đã bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng” – BS Dũng phân tích.
Đặc biệt, bệnh viêm phổi do virus corona mới đang lây lan toàn cầu cũng có những triệu chứng ban đầu tương tự bệnh cúm thông thường như: chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, ho, sốt… Tuy nhiên ở giai đoạn sau của bệnh, virus corona mới có thể khiến bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ, bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong.
Loại bỏ nơi trú ngụ của mầm bệnh
Để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp trong thời tiết nồm ẩm, trước hết cần phải loại bỏ nơi trú ngụ của mầm bệnh ngay trong không gian sống. Đặc biệt, chính những đồ dùng trong nhà, điển hình là rèm cửa, thảm trải sàn nếu không được vệ sinh sạch sẽ trở thành ổ vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, trong điều kiện thời tiết này. Chính vì vậy, BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các gia đình cần chú ý dọn dẹp phòng ốc, bỏ thảm trải sàn, giặt rèm cửa, thay chăn ga thường xuyên.
Giữ không gian sống khô ráo trong thời tiết nồm ẩm
Giữ nhà cửa khô ráo sẽ hạn chế sự sinh sôi của mầm bệnh giữa tiết trời nồm ẩm, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên lau khô sàn nhà bằng khăn có độ thấm hút tốt.
- Đóng kín cửa để hạn chế những cơn gió mang hơi ẩm bên ngoài lùa vào.
- Sử dụng các thiết bị có tính năng hút ẩm như điều hòa, máy hút ẩm.
-Tránh bật quạt vì sẽ khiến trong nhà càng ẩm ướt hơn.
-Bên cạnh thiết bị chuyên dụng, có thể dùng các vật liệu có tính hút ẩm. Bên cạnh đó, cần trang bị hộp hút ẩm chuyên dụng trong các tủ quần áo, bởi đây là nơi rất dễ sinh hiện tượng nấm mốc, trong kiểu thời tiết này.
Phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp
Để phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra (COVID-19), cần lưu ý những nguyên tắc sau:
-Hạn chế đến những nơi đông người như: phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, khu vui chơi…
-Chú ý đeo khẩu trang khi đến những khu vực có nguy cơ cao.
-Đeo khẩu trang đúng cách, trong quá trình đeo không chạm tay vào bề mặt khẩu trang vì dễ khiến bàn tay bị lây nhiễm các tác nhân gây bệnh, khi tháo khẩu trang cần cầm vào phần quai.
-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn.
Bên cạnh các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm với mầm bệnh thì chúng ta cũng cần tăng cường sức đề kháng, để cơ thể chống chọi tốt hơn với với những “kẻ xâm nhập” này. Biện pháp an toàn và hữu hiệu nhất chính là thông qua chế độ ăn hàng ngày. Theo đó, chế độ ăn cần đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (đặc biệt là kẽm) trong thực đơn như: cam, quýt, bưởi, kiwi, gừng, cà chua, cà rốt, nấm, hải sản…
Minh Nhật