Bộ trưởng GD-ĐT đang xem xét điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia 2020
by Duy AnhANTD.VN - Ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn giữ ổn định về tổ chức, ra đề thi. Riêng về thời gian thi thì Bộ sẽ xem xét điều chỉnh căn cứ vào thực tế nghỉ học vì dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước dịch bệnh do virus corona gây ra, Bộ vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình diễn biến của dịch. Tại thời điểm này, các nhà trường đều có khung thời gian học bù trong kế hoạch. “Việc có điều chỉnh lại thời gian thi THPT quốc gia hay không, Bộ sẽ xem xét và thông báo cụ thể” - Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.
Về kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tập trung dạy học, ôn tập theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đề thi năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, nên việc học, ôn thi phải hết sức cơ bản, tránh học lệch, học tủ. Bên cạnh đó, điểm học bạ phải bảo đảm khách quan, trung thực, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ.
Ngoài việc tổ chức học tập, ôn thi, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở giáo dục, lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương cần phải quan tâm đến việc tư vấn lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với sở trường của từng học sinh và nhu cầu xã hội trong vòng 3-4 năm sau.
Các trường đại học cần sát sao hơn nữa với các sở GD&ĐT, trường THPT, có nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn để giới thiệu về các ngành nghề mới, điều kiện của nhà trường để học sinh chủ động tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi, tránh tình trạng thiếu thông tin, hoặc thông tin không đúng.
Đối với công tác tuyển sinh ĐH năm nay, Bộ trưởng lưu ý các trường cần phải tính toán kĩ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.
“Đề nghị năm nay phải chấm dứt tình trạng này. Khi mở ngành mới phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, nếu không dẫn đến quyền lợi người học không bảo đảm và uy tín trong hệ thống bị rủi ro” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nhắc đến thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.