Khát khao khởi nghiệp

Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và khát khao khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ không ngại dấn thân để thỏa đam mê và đóng góp cho xã hội.

by

Nhiều người đã vượt qua rào cản về tâm lý, khó khăn kinh tế, non nớt kinh nghiệm để khởi nghiệp, vừa làm giàu cho bản thân, vừa hướng về cộng đồng…Xây nông trại xanh, đón 100 nghìn lượt khách.

Trên đường Võ Văn Kiệt, phường Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có một nông trại công nghệ cao là điểm tìm đến của các bạn trẻ để làm quen việc hái rau, ăn rau sạch và tìm hiểu phương pháp trồng trọt hiện đại. Đây còn là nơi lý tưởng cho hàng nghìn học sinh tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận, các hộ gia đình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch vào cuối tuần hay các nghỉ dịp lễ.

Đó là Cần Thơ Farm của anh Nguyễn Văn Phong. Anh chọn hướng khởi nghiệp riêng cho mình bằng cách xây dựng nông trại xanh gắn với phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản xuất sạch theo hướng hiện đại. Anh mong muốn lan tỏa đến nhiều bạn trẻ làm nông nghiệp công nghệ cao; Đặc biệt là tạo điều kiện cho các em trải nghiệm thực tế để thấy được giá trị sản xuất sạch, an toàn...

Cần Thơ Farm có diện tích 7.000m2, với nhiều không gian cho sản xuất nông nghiệp như khu vực trồng rau sạch thủy canh và địa canh, nhà ươm cây giống, nhà trồng dưa lưới, ao nuôi cá... Đây là nơi để học sinh, du khách trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về cách trồng, chăm sóc rau sạch, với sự hướng dẫn của nhiều chuyên gia nông nghiệp. Năm 2019, Cần Thơ Farm đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, học tập. Hiện tại, nông trại đang liên kết với các đơn vị lữ hành mở thêm các tour du lịch kết nối như tour tham quan Cồn Sơn, Nhà cổ Bình Thủy rồi đến Cần Thơ Farm.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/02/14/9852/1581668937-kn-1.jpg
Anh Nguyễn Văn Phong chọn hướng khởi nghiệp riêng cho mình bằng cách xây dựng nông trại xanh gắn với phát triển du lịch.

Anh Phong trước đây là giáo viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy. Từ năm 2015, xuất phát từ nhu cầu của gia đình, anh làm vườn rau nhỏ để con mình sử dụng. Khi trồng, bạn bè thấy sản phẩm tốt nên khuyến khích. Đồng thời, anh Phong nhận thấy học sinh còn thiếu nhiều trải nghiệm thực tế, nhất là ngành nông nghiệp. Vì thế, anh quyết định xây dựng nông trại kết hợp du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp xanh, giúp học sinh, sinh viên và cả người dân tham quan, học tập, trải nghiệm.

“Mọi quy trình trồng rau, trồng cây ăn trái mình đều công khai. Mọi người đến đều có thể cầm, sờ, nắm sản phẩm và họ có thể hiểu được bản chất của từng mô hình. Ở đây có đầy đủ các loại hình trồng rau từ công nghệ cao đến truyền thống để các em học sinh thấy được những ưu điểm và hạn chế của trồng truyền thống và thủy canh. Từ đó, các em yêu thiên nhiên, thích môn học hơn và nắm vững hơn kiến thức trên lớp”, anh Phong chia sẻ.

Theo anh Phong, dù đã lường trước rủi ro nhưng ban đầu vẫn thất bại. Anh có kiến thức lý thuyết nhưng thiếu kinh nghiệm thực hành dẫn đến thất bại về quy trình, quản lý bảo quản rau củ quả, đầu tư thiết bị nhập từ Hà Lan, Israel, Thái Lan chi phí lớn. Không đủ vốn nên phải đi vay ngân hàng, mỗi lần vay vài trăm triệu. Sau 3 năm lỗ trên 2 tỷ đồng, điển hình như đợt triều cường tháng 9/2019 đã nhấn chìm hầu như toàn bộ rau, anh mất trắng gần 500 triệu đồng.

Khó khăn tiếp theo là khi sản xuất ra được sản phẩm thì tiểu thương làm khó về giá cả, chưa kể họ mua số lượng nhỏ lẻ. Vì thế, anh nghĩ tới việc phải vừa trồng vừa bán rau tại nông trại. Bà con đến vừa có thể tham quan để tin rằng sản phẩm sạch, vừa có thể mua sản phẩm giá hợp lý. “Thầy của mình chính là những người nông dân vì họ có kinh nghiệm sản xuất. Nhìn họ làm cộng với mình là người đi dạy nên khái quát được cách họ làm để tạo thành quy trình. Bên cạnh đó, khi khó khăn chia sẻ với người thân, trong đó có các nhà khoa học và một số bạn khởi nghiệp trước đã thành công. Họ giúp mình có thêm niềm tin để tiếp tục làm”, anh Phong cho biết.

Hiện nay, anh Phong liên kết và hợp tác với gần trăm đơn vị, trong đó có hộ, các sở ban, ngành, các trường và đang phát triển tốt ở các tỉnh. Điển hình như tại Cà Mau đang sản xuất khoảng 600m2 dưa lưới. Ngoài ra, các điểm khác giống như Cần Thơ Farm ở Phú Quốc diện tích sản xuất khoảng 2.000m2, Tây Ninh 12.000m2. Đồng thời, anh tham gia giảng dạy cho các lớp thực hành ở các trường phổ thông trên địa bàn Cần Thơ và sinh viên ngành nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ. Về lâu dài, anh cho biết sẽ liên kết, hợp tác thêm phủ đều khắp các tỉnh miền Tây…

Theo ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ: “Đây là cách làm hay về đổi mới tư duy và cách nghĩ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Qua đó, cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với canh tác thông thường. Đồng thời, còn mang tính lan tỏa cao bởi sản phẩm làm ra an toàn đối với người tiêu dùng. Đó cũng là vấn đề ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm trong thời công nghệp 4.0 như hiện nay…”.

Khởi nghiệp từ bùn thải

Chọn hướng khởi nghiệp cho riêng mình, Nguyễn Hữu Huy Hào, sinh năm 1995 (cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ) biến bùn thải trong thủy sản trở thành đất sạch phục vụ nông nghiệp sạch và giải quyết ô nhiễm môi trường. Sản phẩm đất sạch hữu cơ từ chất thải thủy sản từng đoạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức năm 2017.

Hiện nay, Nguyễn Hữu Huy Hào là Giám đốc Công ty TNHH Xử lý môi trường Nguyễn Trần ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Những ngày giáp Tết, Hào vui vẻ khoe rằng: “Em vừa bán xong đợt dưa lưới, không ngờ là chỉ trong 2 ngày mở cửa cho khách vào tham quan là hết sạch. Sản phẩm đất sạch dùng để sản xuất dưa lưới cho trái to, mịn và chất lượng thơm ngon. Thấy được tiềm năng cũng như giá trị mang lại nên một nhà đầu tư ở Pháp đã rót hơn 2 tỷ đồng để em mở rộng sản xuất và hướng đến xuất khẩu”.

Ý tưởng làm ra sản phẩm đất sạch từ việc Hào chứng kiến thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt là từ các nhà máy thủy sản ở Cà Mau (quê của Hào) gây ô nhiễm môi trường xung quanh. “Ngay từ những năm học phổ thông, em đã nảy ra ý tưởng này và quyết tâm phải làm ra cái gì đó để hạn chế ô nhiễm”, Hào nói. Từ bùn thải của các công ty thủy sản trở thành đất sạch, bước đầu thị trường chấp nhận khi mỗi tháng bán ra được 70 - 90 tấn. Từ đó, Hào hướng đến tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như bã nấm rơm, bã sản xuất nấm bào ngư... những loại này dễ phát sinh sâu bệnh hại hoa màu.

Với cách làm này, Hào mong muốn vấn đề ô nhiễm môi trường từ bùn thải các nhà máy thủy sản và phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ được cải thiện, được tận dụng để trồng trọt một cách hiệu quả, tiết kiệm. Hào bật mí: “Hiện nay sản phẩm đất sạch NaTA ngoài thị trường trong nước em đã chào hàng ở thị trường Pháp, Mỹ, Nhật. Đồng thời, đang đàm phán để cung cấp 1.000 tấn cho đối tác ở Campuchia”.

Thu trăm triệu từ “dây tiêu ôm cây tràm”

Từ vùng đất nhiễm phèn cây trái khó phát triển, chàng kỹ sư công nghệ thông tin đã “biến” nó trở thành cánh đồng trăm triệu với mô hình “dây tiêu ôm cây tràm”. Đó là Nguyễn Vũ Phong, 30 tuổi ở ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng). Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Cửu Long rồi đi làm cho công ty chuyên về công nghệ nhưng sau vài năm cuộc sống vẫn chỉ đủ ăn, trong khi ở quê rất khó trồng các loại cây ăn trái vì vùng đất nhiễm phèn nặng đã thôi thúc Phong… nghĩ ra việc để làm.

Quyết khởi nghiệp trên quê hương, đầu năm 2014, Phong khăn gói lên Tây Nguyên (Đắk Lắk) học hỏi kỹ thuật trồng tiêu từ một người quen. Sau đó, mua 200 gốc tiêu mang về trồng thử và cây tiêu phát triển tốt. Ban đầu, anh trồng trụ xi măng cho tiêu leo, nhưng chi phí cao. Để giảm chi phí, anh tận dụng gốc tràm cho cây tiêu leo lên. Anh Phong lý giải: “Làm cách này vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, vừa che phủ vườn tiêu nên giảm công tưới nước rất nhiều.

Đồng thời, sau vài ba năm mình thu hoạch cây tràm để tăng thêm lợi nhuận”. Theo anh Phong, nông dân bao đời sống lẩn quẩn trong cảnh được mùa mất giá, làm ra sản phẩm đã khó nhưng lại phụ thuộc vào thương lái nên luôn chịu thiệt. Còn trồng tiêu thì khác, khi thu hoạch xong nếu bán chưa được thì trữ lại bao lâu cũng được mà không sợ hư hao, mất mát gì.

Có được sản phẩm, thời gian đầu anh trực tiếp mang đến các chợ huyện như: Thạnh Trị, Nhu Gia, Mỹ Tú... (Sóc Trăng) chào hàng cho các tiểu thương. Để cạnh tranh với các sản phẩm khác đòi hỏi phải chứng minh được chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch với giá hợp lý. Phong bộc bạch: “Ban đầu chưa ai biết sản phẩm của mình nên phải gõ cửa từng tiểu thương ở các chợ với giá mềm hơn người khác, đồng thời muốn đứng vững được đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng”.

Theo lời Phong, lộ trình đi là “chậm mà chắc” và chất lượng sản phẩm ưu tiên hàng đầu. Vì thế, phải chuẩn từ nguyên liệu, không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào khác mà chỉ dùng phân hữu cơ. Đồng thời nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc mới để thu hoạch tiêu quanh năm, bảo đảm giữ được giá ổn định và xây dựng sân phơi an toàn. Tuy nhiên, điều Phong hướng đến là tiến tới đưa công nghệ vào theo quy trình khép kín, an toàn từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.

Hiện nay, anh đã mở rộng diện tích trồng lên 2,5ha với 3.500 gốc tiêu, trong đó có trên 2.000 gốc tiêu đang cho trái. Năm 2019, sản lượng đạt 3 tấn tiêu khô với doanh thu 420 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 174 triệu đồng. Trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích, đồng thời, hỗ trợ cho người dân, thanh niên về kỹ thuật và giống để phát triển.

Những thứ mà người ta vứt đi em sẽ tạo nên giá trị riêng cho nó bằng cách dùng công nghệ tái chế lại và biến nó thành một tài nguyên đặc hữu. Đợt dưa lưới trồng thử nghiệm lần này cho năng suất cao có sự kết hợp giữa bùn thải thủy sản và phế phẩm nông nghiệp.

Theo giaoducthoidai