Bóc mẽ màn hình Apple 5.000 USD: không thể bằng đồ chuyên nghiệp Sony như hãng đã quảng cáo
Sẽ là không công bằng khi so sánh màn hình chỉ 5.000 USD của Apple với loại đắt hơn nó nhiều lần. Thế nhưng, chính Apple lại làm điều đó trước, khiến nhiều chuyên chuyên gia thực sự tò mò về màn so sánh khập khiễng này.
Apple đã công bố mẫu màn hình Pro Display XDR với giá 5.000 USD, chưa bao gồm chân đế rời có giá 1.000 USD, tại sự kiện WWDC vào năm ngoái. Hãng khẳng định nó được thiết kế nhắm đến người dùng chuyên nghiệp, có thể bắt kịp vài mẫu màn hình tham chiếu trên thị trường mà giá bán cao hơn 7 đến 8 lần. Để minh họa, Apple đã đưa hình màn hình tham chiếu của Sony lên sân khấu nhằm củng cố cho tuyên bố của mình. So sánh các chỉ số về độ phân giải, mật độ điểm ảnh, tính đa năng hay hoạt động êm ái, sản phẩm Apple đều vượt trội hơn.
Sản phẩm Sony bất ngờ xuất hiện trên sân khấu Apple WWDC
Hành động này đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia và những người làm việc với video khó tính, bởi dòng Sony Trimaster vốn đã nổi tiếng trong ngành công nghiệp từ lâu. Mẫu BVM-X300 dùng tấm nền RGB OLED của chính Sony sản xuất, được công nhận là ‘huyền thoại studio' và trở thành tiêu chuẩn tham chiếu chất lượng hình ảnh trong giới. Đó cũng là màn hình phổ biến nhất trong các xưởng hậu kỳ và biên tập nội dung video, phim điện ảnh. Với một vài người, X300 là màn hình yêu thích nhất của họ.
Hiện tại, Sony đã thay thế mẫu này bằng BVM-HX310 có giá gần 4 triệu yên (khoảng hơn 800 triệu đồng), sử dụng tấm nền IPS LCD dual-cell từ Panasonic. Đây là công nghệ hứa hẹn cho phép LCD cạnh tranh sòng phẳng với OLED về độ sâu màu đen, độ tương phản, kiểm soát ánh sáng đèn nền. Mẫu tham chiếu Sony mà Apple đưa lên sân khấu cũng chính là BVM-HX310, do vậy, chuyên gia Vincent Teoh đến từ kênh Youtube HDTVTest đã đưa cả hai lên bàn cân so sánh, không chỉ đánh giá mà còn kiểm chứng tuyên bố khoa trương của Apple tại sự kiện.
Chuyên gia đến từ HDTVTest so sánh Apple Pro Display XDR với Sony Trimaster HX310
Trước tiên, anh đã đo lường độ sáng, tương phản, độ chính xác màu sắc, mức độ đồng nhất,... và phát hiện vài điều chưa ổn ở màn hình này. Khi đạt đỉnh sáng, độ tương phản và độ chính xác màu sắc gặp vấn đề. Ngoài ra, mức độ đồng nhất của màn hình cũng chỉ "tạm ổn" chứ chưa thực sự ấn tượng. Theo đó, Teoh cho rằng với công việc biên tập video HDR, màn hình Apple phù hợp để thưởng thức hơn là chỉnh sửa. Bởi vì Pro Display XDR không thể tái hiện chính xác hình ảnh như ý đồ mong muốn của bạn.
Ngay từ hình ảnh đầu tiên, chúng ta đã nhận ra sự chênh lệch so với Sony HX310
Và tiếp theo, anh so sánh nó với Sony Trimaster HX310 giống Apple đã làm ở sự kiện, chỉ khác đây là đối đầu trong thực tế, đặt hai màn hình cạnh nhau để phô diễn chất lượng thay vì những con số không thực tiễn. Lẽ đương nhiên, Apple Pro Display XDR vất vả để có thể bắt kịp đối thủ ở bên cạnh. Teoh nói rằng nó thậm chí còn không phải một lựa chọn rẻ hơn cho các chuyên gia, nếu họ muốn dùng làm màn hình tham chiếu. Tuyên bố "màn hình chuyên nghiệp tốt nhất thế giới" của Apple dường như đã quá cường điệu.
Một số chi tiết vùng tối trên Pro Display XDR không rõ nét bằng trên HX310
Trong cảnh tối, màn hình Apple không thể tạo ra màu đen sâu như HX310 mà hơi ngả xám, xuất hiện quầng sáng xung quanh đối tượng, một số chi tiết vùng tối bị 'nuốt chửng'. Teoh giải thích đây là do giới hạn của tấm nền IPS mà LG Display cung cấp cho Apple, cũng như hệ thống đèn nền FALD chỉ có số vùng làm mờ 576. Màn hình rất khó để duy trì độ sáng ở 1.000 nit trong khi vẫn giữ được màu đen sâu, các chi tiết được bảo toàn đầy đủ ở cả vùng sáng lẫn vùng tối.
Màn hình Apple phải vật lộn để đạt độ sáng cao mà vẫn giữ màu đen sâu, chi tiết được bảo toàn
Thông thường, tiêu chuẩn cần đáp ứng của loại màn hình tham chiếu là phải cung cấp chất lượng hình ảnh không cần bàn cãi, không cần hoài nghi. Ví dụ đạo diễn muốn có nhiều hơn một chút hiệu ứng flare của ống kính ở khung cảnh cụ thể. Với màn hình Apple, bạn không thể đảm bảo đội ngũ VFX có thể thực hiện điều đó chính xác như hình dung trong đầu của vị đạo diễn. Không phải ngẫu nhiên mà có những cơ sở hậu kỳ sẵn sàng chi hàng trăm ngàn USD để mua các màn hình Sony Trimaster. Khi họ chạy những dự án trị giá hàng triệu USD của Hollywood, hình ảnh phải thật chính xác.
HX310 không bị hiện tượng quầng sáng như màn hình Apple, các con số cũng sắc nét hơn không bị làm mờ bởi ánh sáng mạnh
Màn hình Apple không thể nào trở thành một màn hình tham chiếu, dù hãng có nói gì với bạn chăng nữa. "Tôi nghĩ rằng mẫu Pro Display XDR không phải một lựa chọn phù hợp với bất kỳ chuyên gia màu sắc kỹ tính nào. Cuối cùng, nó chỉ là một màn hình IPS với 576 vùng làm mờ, cộp mác Apple và bán với giá 5.000 USD [chưa kèm chân đế 1.000 USD]. Màn hình Apple không thể mang đến bất kỳ khía cạnh nào của loại tham chiếu, từ mức độ đồng nhất đến yêu cầu màu sắc chính xác".
Apple cố tình lôi màn hình chuyên nghiệp Sony lên sâu khấu, cũng chỉ để thu hút sự chú ý của những người làm công việc chuyên môn
Vincent Teoh không phải người đầu tiên ‘bóc mẽ' tuyên bố khoa trương của Apple về Pro Display XDR, màn so sánh với loại màn hình tham chiếu mà tiêu biểu là Sony. Chuyên gia màu sắc Juan Salvo đến từ theColourSpace, chuyên làm về hậu kỳ và hoàn thiện nội dung đa phương tiện ở Mỹ, cũng đã lên tiếng trên Twitter từ trước. Trong những hoàn cảnh nhất định, màn hình 5.000 USD của Táo sẽ bộc lộ giới hạn và không thể đạt tới đẳng cấp của loại chuyên nghiệp.
Ambitious Man