Mua đất đang bị thế chấp tại tổ chức tín dụng

Theo thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với quy định của pháp luật thì trường hợp của bạn thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đang thế chấp tại tổ chức tín dụng (Ngân hàng).

by

Câu hỏi: Tôi muốn mua 1 mảnh đất, tuy nhiên khi trao đổi làm việc với chủ sử dụng đất thì thửa đất đang bị thế chấp tại ngân hàng Agribank, họ nói phải chuyển cho họ 1 khoản tiền trước để họ giải chấp sau đó, mới bán được. Được biết, chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc mua bán, nhưng tôi đang băn khoăn không biết làm thế nào để việc ký kết đảm bảo pháp lý và việc mua bán không bị lừa đảo?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với quy định của pháp luật thì trường hợp của bạn thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đang thế chấp tại tổ chức tín dụng (Ngân hàng). Bạn có thể lựa chọn một trong hai cách thức sau đây:

+/ Hướng thứ nhất: Căn cứ vào khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên thế chấp:

Điều 321. Quyền của bên thế chấp

  1. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.”

Theo quy định trên thì bạn có thể gặp 03 bên: Bên thế chấp (bên bán), Bạn và Đại diện Ngân hàng để thỏa thuận về việc bạn sẽ là người mua thửa đất này, số tiền bạn mua sẽ được dùng để giải chấp quyền sử dụng đất.

+/ Hướng thứ hai: Bạn cũng có thể căn cứ vào Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc để ký kết hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang bị thế chấp tại Ngân hàng, và số tiền bạn đặt cọc sẽ để dùng để giải chấp quyền sử dụng đất, cụ thể:

Điều 328. Đặt cọc

  1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
  2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy, bạn có thể ký kết hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định nêu trên. Bạn cũng lưu ý, khi ký kết hợp đồng đặt cọc thì nên công chứng hợp đồng để đảm bảo tính chất pháp lý cao.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: Haiminhlawfirm@gmail.com