Bộ Y tế: Giáo viên, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường

Bộ Y tế cho rằng giáo viên, học sinh không cần đeo khẩu trang ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết.

by

Dự kiến tuần tới hầu hết các địa phương sẽ cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm nghỉ phòng ngừa dịch Covid-19. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các bộ, ngành về hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo các nội dung chuyên môn y tế. Văn bản này đã được gửi đến Bộ GD-ĐT.

Theo đó, trước khi đến trường, cha mẹ cần lưu ý giúp con tăng cường sức khỏe như súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên. Học sinh giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn, uống chín, đảm bảo chế độ đầy đủ dinh dưỡng. Học sinh hạn chế tiếp xúc vật nuôi, động vật hoang dã.

Đối với trẻ mầm non, học sinh, cha mẹ có trách nhiệm đo nhiệt độ cho con. Nếu con sốt hoặc ho, khó thở, phụ huynh chủ động cho nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Học sinh ở nhà nếu đang trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Sinh viên, học viên có thể tự đo nhiệt độ, nếu sốt hoặc ho, khó thở, chủ động báo cho trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe. Người học không được đến lớp nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/02/14/9852/1581653149-anh-corona.jpg
Bộ Y tế: Giáo viên và học sinh không cần đeo khẩu trang. Ảnh minh họa

Giáo viên, cán bộ - công nhân viên tự đo nhiệt độ. Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng. Cha mẹ không vào trong trường. Bảo vệ hạn chế cho người không có nhiệm vụ vào trường.

Trường học phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi em có một cốc riêng, sạch sẽ. Trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo mỗi em có một cái riêng, giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học.

Trường học bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có nước sạch, đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, thiết bị phục vụ vệ sinh trường học; mở cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

Cơ sở giáo dục tập huấn cho giáo viên, cán bộ công nhân viên về phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Trong thời gian học sinh ở trường, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Hoạt động chào cờ được tổ chức tại lớp học.

Cũng theo công văn này, nhà trường quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện rửa tay với nước sạch và xà phòng theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế.

Học sinh rửa tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi, nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh, khi thấy tay bẩn.

Học sinh che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Các em vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác, rửa sạch tay, bỏ rác đúng nơi quy định.

Học sinh tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Các em không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, nghiêm cấm khạc nhổ bừa bãi.

Hằng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có thấy sốt hay ho, khó thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, thầy cô phải đưa đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý, cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại trường học có trách nhiệm cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho các em.

Giáo viên, cán bộ - công nhân viên có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, phải đến phòng y tế để được kiểm tra, theo dõi, cách ly. Nhân viên y tế thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý, đồng thời cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách.

Công tác khử khuẩn tại trường được thực hiện bằng chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc chứa ít nhất 60% cồn; ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Không cần đeo khẩu trang khi ở trường?

Đáng lưu ý, công văn của đại diện Bộ Y tế có đoạn viết: "Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ - công nhân viên, phụ huynh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết".

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa hô hấp BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định một trong những vấn đề cần quan tâm nhất trong thời điểm HS chuẩn bị đi học trở lại là phòng ngừa phát sinh dịch Covid-19 ngay trong chính môi trường trường học. Theo BS Tuấn, cần xác định đeo khẩu trang chỉ là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa đường lây nhiễm Covid-19 nói riêng và các loại bệnh hô hấp nói chung.

Cũng theo BS Tuấn, các em HS lớn sẽ có ý thức tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng theo khuyến cáo tốt hơn, còn HS mẫu giáo, cấp 1 ý thức vệ sinh cá nhân còn chưa tốt. Việc cho các bé đeo khẩu trang y tế và bắt buộc các em phải đeo đúng cách cả ngày sẽ khó thực hiện. Trong tình huống này, các bé không tiếp xúc với người bệnh và không phải là bệnh nhân nên có thể sử dụng khẩu trang vải in hình ngộ nghĩnh, thay thế cho khẩu trang y tế.

Bên cạnh đeo khẩu trang, cần áp dụng nhiều biện pháp vệ sinh khác như rửa tay. Khi ho, xổ mũi phải sử dụng khăn giấy che và bỏ vào thùng rác, sau đó rửa sạch tay. Không nên cho bé sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn, ly, chén, muỗng đĩa trong môi trường trường học. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao thể trạng cho trẻ...Những việc làm này không chỉ giúp trẻ phòng ngừa dịch Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác.

Đặc biệt, theo BS Tuấn, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh, thầy cô cần tuân thủ theo khuyến cáo của ngành y tế. Phụ huynh cần có ý thức, khi theo dõi thấy con có biểu hiện của bệnh nhiễm trùng hô hấp nói chung với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, phải chủ động báo cáo cho nhà trường và cho trẻ ở nhà. Đồng thời, cho các bé đi khám cơ sở y tế để xác định chẩn đoán loại trừ nhiễm Covid-19.

Trong nhiều năm qua, chưa có dịch bệnh như dịch Covid-19 xảy ra, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho các cháu đi học khi con bệnh với mức độ nhẹ như ho xổ mũi. Tuy nhiên, riêng trong thời điểm này, phải cho ở nhà để đi thăm khám và điều trị kịp thời không chỉ bệnh Covid-19 mà các bệnh hô hấp khác. Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô giáo cần giám sát chặt chẽ trường hợp trẻ bệnh để đưa các cháu về nghỉ ngơi, đi thăm khám, đừng để lọt trường hợp mang mầm bệnh vào môi trường trường học”, BS Tuấn lưu ý.

Cũng trong sáng nay (14/2), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do dịch Covid-19 gây ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông đã yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại. Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại.

"Nếu chưa làm được cho phụ huynh và học sinh yên tâm thì chưa cho đi học trở lại ngay. Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thật sự an toàn, an toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh", Phó Thủ tướng khẳng định.

Trước đó, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, trước mắt thành phố chuẩn bị từ 2 triệu – 3 triệu chiếc khẩu trang y tế để phát miễn phí cho học sinh khi học sinh bắt đầu đi học trở lại.

P.V (tổng hợp)