Đổ rác vào rừng

Thời gian gần đây, tại Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện tình trạng người dân chở rác thải vào những cánh rừng để đổ trộm, gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.

by

Thiếu ý thức giữ vệ sinh

Nhóm du khách đạp xe băng rừng vào huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Sau khi rời trung tâm TP Đà Lạt, đoàn đạp xe vào rừng thông thuộc tiểu khu 144B (phường 8, TP Đà Lạt). Tuy nhiên, khi vừa đi qua khu dân cư vài trăm mét là thấy tràn lan các bãi rác thải, từ rác nông sản hư hỏng bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt bọc trong những bao ni lông, vật dụng sinh hoạt gia đình, cho đến chất thải từ công trường xây dựng như xà bần, thạch cao, gương kính…

Một số bãi rác giữa rừng thông đang bị đốt để những đống rác không cao thêm. Ngay trên mặt đường cũng có nhiều rác thải đổ bừa bãi. Một đoạn đường ngắn khoảng 1km nhưng có hơn 10 bãi rác. Nguy hại hơn, ngay phía dưới khu vực này là hồ Chiến Thắng, cung cấp nước cho một khu vực rộng lớn.

Đây là khu vực nằm trong 16ha rừng đã được giao cho Trường Đại học Yersin Đà Lạt quản lý để thực hiện dự án giáo dục, nhưng do dự án chưa triển khai, công tác quản lý, bảo vệ không nghiêm, nên đã xảy ra tình trạng trên.

https://media.moitruongvadothi.vn/2020/02/14/9804/1581652879-do-rac.jpg
Rác thải đủ loại đổ trộm trong rừng thông ở Đà Lạt

Anh hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Hiệu cho biết: “Đây là một trong những cung đường được nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế ưa thích, bởi khung cảnh hoang sơ, các con đường mòn ẩn dưới những đồi thông ngút tầm mắt. Vậy mà bây giờ bị nhiều người thiếu ý thức mang rác thải đến đổ”.

Còn tại khu rừng thông phía sau đồi Dinh Bảo Đại (Dinh 3), nhiều người dân tranh thủ thu gom xà bần từ các công trình xây dựng đưa về đổ xuống sườn đồi, phủ lên từng gốc thông để san lấp mặt bằng. Chỉ một thời gian sau là các cây thông ở đây sẽ héo khô, thế là người ta dựng hàng rào dây thép gai, dựng nhà trên khu vực lấn chiếm.

Phần lớn người dân sau khi đập bỏ công trình cũ đều giao cho nhà thầu xử lý xà bần, mà không quan tâm đến việc xà bần sẽ được đưa đi đâu. Để nhanh gọn, nhà thầu cho xe mang vào rừng đổ trộm.

Khó xử lý

Trước đây, có nhiều người thiếu ý thức đã mang rác thải đổ trộm tại những bãi đất trống ngay trong nội ô TP Đà Lạt, nay nhờ hệ thống camera giám sát nên việc này đã giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, nhiều chất thải đã được chở thẳng vào rừng đổ trộm để khỏi tốn chi phí xử lý.

Không ai dám chắc những túi rác này bên trong chứa những chất thải nguy hại như thế nào nếu không được xử lý đúng quy trình. Tình trạng đổ rác vào rừng thường xuất hiện ở những khu rừng vắng người qua lại, như đường mòn từ Nghĩa trang Du Sinh đi khu dân cư Quảng Thừa (phường 4), dọc đèo Mimosa, những rừng thông vùng ven…

Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Lạt chỉ có một đơn vị thu gom chất thải (chủ yếu là rác thải sinh hoạt); còn với chất thải xây dựng, người dân phải ký hợp đồng riêng với Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt để được xử lý. Nhưng không nhiều người làm điều đó.

Ông Phạm Đình Long, Chủ tịch UBND phường 8, cho biết: “Dù có quy định chế tài xử lý rõ ràng, nhưng các trường hợp đổ trộm chất thải, nhất là khu vực trong rừng ít người qua lại, thường rất khó bắt quả tang. Riêng khu vực tiểu khu 144B đã giao cho Đại học Yersin Đà Lạt thực hiện dự án, sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu đơn vị tiến hành thu gom đến điểm tập kết theo quy định, đồng thời phải bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực rừng đã được giao”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, thông tin: “Trước đây đã có 2 trường hợp đổ trộm chất thải trong rừng thuộc địa bàn phường 7 bị bắt quả tang, xử lý. Tuy nhiên, việc bắt quả tang là rất khó khăn do người vi phạm lựa thời điểm vắng vẻ để đổ trộm. Nếu phường xã nào không quản lý, phát hiện được việc người dân đổ trộm rác thải thì thành phố sẽ tiến hành lập biên bản, xử lý và địa bàn đó sẽ phải thanh toán chi phí. Trước mắt thành phố sẽ kiểm tra và tiến hành thu gom những vị trí đang là điểm nóng trong việc đổ trộm rác”.

Theo điểm b, khoản 6, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định.

Theo SGGP