Dịch bệnh Covid-19: Ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam ra sao?

by

(CATP) Được đánh giá là quốc gia có những động thái ứng phó nhanh trước dịch Covid-19, song cũng như nhiều nước khác, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh này. Các kịch bản tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) dự báo khá chi tiết.

XUẤT NHẬP KHẨU BỊ ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP

Nằm trong nhóm lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp, xuất nhập khẩu phụ thuộc khá lớn vào thời gian dịch bệnh diễn ra. Hiện tại, việc thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông tại hầu hết các địa phương của Trung Quốc và không có lực lượng hải quan, giao nhận hàng tại các cửa khẩu đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, trước mắt và trực tiếp nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ (như thanh long, dưa hấu).

Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có xu hướng giảm do hoạt động sản xuất đang bị ngưng trệ. Hai kịch bản cụ thể được Bộ đưa ra là: Trường hợp dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I-2020, xuất khẩu quý I-2020 ước đạt kim ngạch 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14 tỷ USD, giảm 13,6%.

Với kịch bản dịch Covid-19 kết thúc cuối quý II/2020: kim ngạch xuất khẩu quý II dự báo đạt 58,5 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 7,5 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 17,6% (đạt kim ngạch 16 tỷ USD).

http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2020-2-14/khautrang-svlw.jpg
Người dân đeo khẩu trang khi ra đường để phòng tránh dịch COVID-19

DU LỊCH BỊ THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, doanh thu từ du lịch được cho là sẽ thiệt hại khá nặng nề. Theo Bộ KHĐT, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng khách đến Việt Nam từ nước này luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Tuy nhiên, do dịch bệnh, Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 1-2-2020. Tỉnh Quảng Ninh đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30-1-2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn có dịch bằng 0.

Trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I-2020, lượng khách Trung Quốc trong quý I dự báo là 644,7 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.

Nếu dịch kết thúc cuối quý II-2020, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.

Nằm trong sự ảnh hưởng chung, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Covid-19. Ước tính, lượng khách từ các quốc gia khác tới Việt Nam sẽ giảm khoảng 50% - 60% trong giai đoạn có dịch.

Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, Bộ KHĐT cho biết, khách Trung Quốc đến chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách. Như thế, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD. Con số thiệt hại vào khoảng 5 tỷ USD nếu dịch kéo dài hết quý 2.

Trong lĩnh vực vận tải, vận tải hàng không đang bị ảnh hưởng hàng đầu do lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa hai quốc gia từ chiều 1-2, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Tương tự, vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Bộ KHĐT dự báo, trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong quý I thì theo giá so sánh giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ tăng 5,1% trong quý I và tăng 6,12% trong quý 2. Trường hợp dịch được kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ tăng 5,1% trong quý I và 6% trong quý II.

KHÓ ĐẠT MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 6,8%

Trướ cdiễ nbiế nphứ ctạ pcủ adịch bệ nh, Bộ KHĐT dự báo 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bệnh khác trên gia súc và gia cầm (H5N1, H5N6) đang diễn ra hiện nay.

Kịch bản tăng trưởng năm 2020 được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá tác động của những yếu tố này đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, trong đó xác định cụ thể tăng trưởng kinh tế khi dịch Covid-19 kết thúc trong quý I và kết thúc trong quý II của năm 2020.

Để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh khác trên gia súc và gia cầm, Bộ KHĐT đề xuất phương châm phát triển thời gian tới là "không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp". Theo đó, bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, toàn diện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bảo đảm hiệu quả của từng giải pháp cũng như hiệu quả cộng hưởng của các nhóm giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Cơ quan này cũng đặt ra yêu cầu tốc độ xử lý, thực hiện các giải pháp phải quyết liệt, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch bệnh kết thúc.