Triều Tiên duy trì chương trình vũ khí hủy diệt

Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa bất chấp các lệnh cấm vận, theo báo cáo mật của Liên Hợp Quốc.

by

"Triều Tiên không chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân trái phép trong năm 2019. Những loại vũ khí này tiếp tục được cải thiện, vi phạm các lệnh trừng phạt", Reuters ngày 11/1 dẫn một báo cáo mật của Ủy ban Cấm vận Triều Tiên (SCNK) thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Báo cáo này dự kiến được công bố vào tháng sau.

Triều Tiên thực hiện 13 đợt thử nghiệm tên lửa trong năm ngoái, phóng lên ít nhất 25 quả đạn các loại, bao gồm cả một số loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa phóng từ tàu ngầm hoàn toàn mới. "Bình Nhưỡng đang tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực cho chương trình tên lửa", báo cáo cho hay.

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2020/02/14/800-8-jpeg-2046-1576977692-4285-1581672104.jpg
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-15 hồi tháng 11/2017. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên phải chịu các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc từ năm 2006. Những biện pháp trừng phạt này liên tục được Hội đồng Bảo an tăng cường nhằm cắt nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

"Bình Nhưỡng vẫn tiến hành các chiến dịch mua sắm trang thiết bị và công nghệ trái phép", báo cáo có đoạn viết, thêm rằng Triều Tiên đã bí mật nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu lượng than đá trị giá 370 triệu USD nhờ các tàu hàng Trung Quốc.

Ủy ban giám sát trừng phạt cho biết Triều Tiên đang sử dụng xà lan để xuất khẩu hàng triệu tấn hàng hóa bị cấm vận từ năm 2017. "Khoảng 2,7 triệu tấn than đá được chuyển từ tàu hàng Triều Tiên sang xà lan Trung Quốc trong giai đoạn tháng 1-8/2019", báo cáo tiết lộ. Số hàng này được chuyển thẳng tới ba cảng biển ở vịnh Hàng Châu và các cơ sở sản xuất dọc sông Dương Tử.

Bắc Kinh liên tục bác bỏ cáo buộc tiếp tay cho Bình Nhưỡng, khẳng định tuân thủ đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. "Trung Quốc luôn nghiêm túc thực thi nghĩa vụ quốc tế, dù phải chịu tổn thất và áp lực rất lớn trong quá trình này", phát ngôn viên phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho hay.

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2020/02/14/Ji-Song-6-1-1978-1581672104.jpg
Tàu dầu Triều Tiên trên biển Hoa Đông hồi giữa năm 2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Các lệnh trừng phạt không nhằm vào dân thường Triều Tiên, nhưng báo cáo thừa nhận chúng cũng gây ra hậu quả ngoài ý muốn với tình hình nhân đạo và các chiến dịch cứu trợ ở nước này. Nga và Trung Quốc từng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của biện pháp trừng phạt với dân thường, tỏ ý hy vọng một số lệnh cấm vận được nới lỏng nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Tuy nhiên, Mỹ, Pháp và Anh cho rằng bây giờ chưa phải thời điểm xem xét gỡ bỏ lệnh trừng phạt, nhất là khi Bình Nhưỡng đang nối lại hoạt động ở nhiều cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Cơ quan giám sát cấm vận Liên Hợp Quốc còn cáo buộc Triều Tiên tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công mạng toàn cầu, nhằm vào các công ty tài chính và thị trường trao đổi tiền ảo. "Đó là các chiến dịch có độ rủi ro thấp, mang về lợi ích lớn, rất khó phát hiện và ngày càng trở nên tinh vi hơn", SCNK kết luận.

Vũ Anh (Theo Reuters)