https://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/02/14/nh.-bds-kt-xe_14725433.jpg
Ảnh: Quý Hòa

Vốn tư nhân mở: Điểm nghẽn trăm tỉ USD

Để cải thiện đáng kể hạ tầng, Việt Nam sẽ cần hàng trăm tỉ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Vấn đề là bằng cách nào?

by

Báo cáo Cơ hội 2030: Bản đồ Đầu tư theo các mục tiêu phát triển bền vững do Ngân hàng Standard Chartered phát hành và vừa công bố. Báo cáo nghiên cứu vào các thị trường mới nổi này nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp Quốc với cơ hội thu hút đầu tư của khu vực tư nhân lên đến gần 10.000 tỉ USD.

Theo báo cáo, tại Việt Nam, những cơ hội đầu tư có tiềm năng lớn nhất theo định hướng mục tiêu phát triển bền vững tập trung ở lĩnh vực hạ tầng giao thông và phổ cập kết nối số. Đây là những trụ cột chính trong mục tiêu phát triển bền vững 9, hướng tới thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng. Trong đó khu vực tư nhân có thể đóng góp vào 3 mục tiêu liên quan đến cơ sở hạ tầng từ nay cho đến năm 2030. Đó là mục tiêu phát triển bền vững 6 (nước sạch và vệ sinh); mục tiêu phát triển bền vững 7 (năng lượng sạch với giá thành hợp lý); và mục tiêu phát triển bền vững 9 (công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng) ở các thị trường mới nổi... Trong đó, để cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông thông tại Việt Nam sẽ cần 20,1 tỉ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

https://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/02/14/cv1_14721244.jpg
 

 Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở cả hai nhánh Nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang đạt khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2 tại châu Á sau Trung Quốc. Ngân hàng ADB cũng đã ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030.  

Với vai trò là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Đến nay, hơn 1,6 triệu tỉ đồng từ khu vực tư nhân đã được huy động, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.

Ông Matthew Lobner, Tổng Giám đốc thị trường quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC, đánh giá: “Trong xu hướng đô thị hóa, chỉ riêng ở Đông Nam Á, hơn 100 triệu người sẽ chuyển đến các đô thị trong khoảng thời gian từ năm 2015-2030. Tất cả điều này đang thúc đẩy một nhu cầu lớn dành cho cơ sở hạ tầng”.

Hạ tầng giao thông, đặc biệt với sân bay, cảng biển lâu nay được xem như “độc quyền nhà nước”. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước hạn hẹp (chỉ đáp ứng được khoảng 30,6% nhu cầu đầu tư giao thông), Nhà nước cần sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân. Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, lĩnh vực này thu hút được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỉ đồng (tương đương hơn 9 tỉ USD). Trong đó, riêng đường bộ có 68 dự án, với tổng mức đầu tư 207.987 tỉ đồng, còn lại là các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường thủy… Theo Bộ Giao thông Vận tải, trước đây, các gói vay chỉ rơi vào khoảng từ vài trăm đến 3.000 tỉ đồng. Còn các dự án cao tốc thì vốn vay tương đối lớn, khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng trở lên nên huy động vốn tín dụng sẽ gặp khó khăn.

https://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2020/02/14/cv2_14722411.jpg
 

 Mặc dù vậy, thời gian qua, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về đầu tư đối tác công tư (PPP) vừa thiếu, vừa yếu đã dẫn đến một số dự án PPP gây bức xúc dư luận, điển hình như các dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang, BT Thủ Thiêm… Sự phản ứng của người dân tạo ra rủi ro cho các dự án PPP khiến dòng tiền đổ vào PPP bị chững lại.

Trong khi đó, cùng với sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các cơ sở mới, hạ tầng của Việt Nam đang bắt đầu bị quá tải dẫn đến sự tắc nghẽn ở cả cảng biển và hàng không. Các nhà đầu tư đã cảnh báo nếu Việt Nam không thể đẩy nhanh tiến độ thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất đi vị thế sản xuất trong khu  vực.  Việt Nam cần đầu tư thêm cho kho, cảng biển, nhà ga đường sắt, và kho container nội địa đủ khả năng hỗ trợ thương mại xuyên biên giới quy mô lớn. Vì vậy, vực dậy được dòng vốn tư nhân đổ vào cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

f | Chia sẻ bài viết

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

https://nhipcaudautu.vn/Content/Style_Layout_Home_V2/images/graphics/logo.png