Nam giới dễ nhiễm virus corona hơn phụ nữ

Trung QuốcDữ liệu từ hàng trăm bệnh nhân viêm phổi tại Vũ Hán cho thấy nam dễ nhiễm virus hơn nữ, có thể do khác biệt giới tính, hệ miễn dịch.

by

Theo nghiên cứu đăng trên Business Insider ngày 11/2, các nhà khoa học phân tích dữ liệu 140 bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y Vũ Hán. Họ phát hiện hơn 54% bệnh nhân là đàn ông, tuổi trung bình 56. 

Trong 99 ca viêm phổi cấp (Covid-19) tại Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, có 67 bệnh nhân nam và 32 nữ, tuổi trung bình 55,5.

Dường như virus corona ảnh hưởng nặng đối với đàn ông lớn tuổi có sẵn các vấn đề về sức khỏe.

Giới khoa học cho rằng những khác biệt về giới tính trong dữ liệu lâm sàng cho thấy nam giới thực sự chịu tác động mạnh mẽ hơn bởi virus corona. Nam giới cũng có hệ miễn dịch kém hơn phụ nữ.

https://vcdn-suckhoe.vnecdn.net/2020/02/14/2020-02-14T055246Z-1139625582-7713-9563-1581666946.jpg
Người dân xếp hàng mua mặt nạ trước một quầy thuốc ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Sức tàn phá sinh mạng con người của Covid-19 được so sánh với hội chứng hô hấp SARS và MERS. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do SARS khoảng 10%, trong khi MERS giết chết khoảng 1/3 số người bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 hiện khá thấp, chỉ khoảng 2%.

Một phân tích trên khoảng 1.800 bệnh nhân SARS cho thấy tỷ lệ tử vong ở nam giới là 22%, nữ 13%. Nghiên cứu năm 2019 trên 229 bệnh nhân MERS, 32% người bệnh nam tử vong và 26% phụ nữ.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sự chênh lệch này có thể do nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ, sự thay đổi trong quá trình điều trị tại bệnh viện và khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi người.

Trong đó, vấn đề miễn dịch đặc biệt thu hút Stanley Perlman, một nhà miễn dịch học tại Đại học Iowa, Mỹ. Ông là người đã nghiên cứu quá trình phát triển của SARS ở chuột đực và chuột cái. Theo ông, khác biệt về giới tính dẫn đến khác biệt về ảnh hưởng của virus corona đối với nam và nữ. Nghiên cứu ở chuột cũng cho kết quả tương tự, những con chuột đực độ tuổi trung niên có sức khỏe rất kém.

Stanley và các đồng nghiệp cho rằng hormone, cụ thể là estrogen, có thể là mấu chốt cho sự khác biệt này. 

https://vcdn-suckhoe.vnecdn.net/2020/02/14/2020-02-14T051355Z-1151345545-7274-3133-1581666946.jpg
Nhân viên y tế gõ cửa nhà một phụ nữ khi kiểm tra khu cư dân ở Thiên Tân. Ảnh: Reuters.

Sự khác biệt giới tính trong chức năng miễn dịch dường như bắt đầu ngay từ giai đoạn thai nhi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trong năm sống đầu tiên ở trẻ sơ sinh trai cao hơn bé gái. Trên toàn cầu, phụ nữ sống lâu hơn đàn ông trung bình 6-8 năm. 

Nữ giới, dễ mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus bởi phụ nữ mang hai nhiễm sắc thể X (nhiễm sắc thể X chứa các gene liên quan đến miễn dịch). Từ quan điểm tiến hóa, phụ nữ có các phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể trong quá trình mang thai, làm tăng tính miễn nhiễm của cơ thể trước nhiều mầm bệnh. Chính vì thế, hệ miễn dịch trong cơ thể phụ nữ sẽ chống lại virus corona tốt hơn nam giới.

Minh Ngân (Theo Financial Time)