Gia Lai: Theo chân thợ câu săn “thủy quái” trên lòng hồ Ia Mlá
Hàng tuần, những tay câu “nhà nghề” lại lặn lội vào rừng sâu để câu cá “khủng”. Mỗi chuyến đi của nhóm thợ câu kéo dài từ 2 - 3 ngày. Công việc vất vả nhưng đầy sự kỳ thú, phiêu lưu.
>>Câu cá trên Biển Hồ, nam thanh niên bị chìm thuyền tử vong
>>Độc đáo nghệ thuật câu cá trên sông ... bằng chim
>>Câu cá dưới đường điện, cần thủ bị bỏng nặng
“Trắng đêm” đi săn cá giữa rừng
Mờ sáng, chúng tôi theo chân một nhóm người đi câu trong khu vực rừng thuộc lòng hồ chứa Ia Mlá (xã Ia Mlá, huyện Krông Pa, Gia Lai) để săn những con cá “khủng”.
Vì mỗi chuyến đi câu phải kéo dài từ 2 - 3 ngày, các "ngư phủ" đều chuẩn bị kỹ lưỡng nhu yếu phẩm như: Mì tôm, mắm, muối. Họ câu cá để thỏa niềm yêu thích và thưởng thức món cá tự nhiên ngay giữa rừng.
Theo lối mòn vào cánh rừng già, chúng tôi đã đến cuối lòng hồ xã Ia Mlá. Địa điểm là một eo nước lặng sóng, mặt hồ yên tĩnh nên nhưng loại cá lớn thường vào trú ẩn.
Đến nơi, mỗi thợ câu lấy từ 5 - 7 cần ra và chọn cho mình một địa điểm lý tưởng để thả mồi. Khi đã đặt mồi xong, nhóm người cùng chặt cây, ghép lại thành một cái lều và đốt lửa, thổi nồi cơm, nướng thịt heo “nhấm nháp” bữa trưa ngay tại rừng.
Một không gian yên tĩnh, không sóng điện thoại, tiếng chim hót ríu rít khiến lòng người trở nên thư thả, xua tan mọi buồn phiền của cuộc sống.
Anh Lê Quang Sáng (trú buôn Chính Hòa, xã Ia Mlá) bộc bạch: “Khu vực rừng này, trước chiến tranh là căn cứ cách mạng. Chỗ ta câu cá là cánh đồng lúa của người Jrai. Trong hồ Ia Mlá có nhiều loại cá như: Cá phá, lóc, trê, trôi, chép. Có nhiều con cá nặng tới 10 kg. Riêng tôi, từng câu được cá trôi nặng gần 10kg, cá phá cũng nặng đến hơn 3kg”.
“Mỗi tháng, chúng tôi thường rủ nhau vào lòng hồ câu cá khoảng từ 2 - 3 lần. Đây là cá tự nhiên, có trọng lượng rất lớn nên anh em lúc nào đi cũng hào hứng. Lúc về, mỗi người cũng đưa về khoảng 20kg cá các loại để chia sẻ cho gia đình và hàng xóm cùng thưởng thức”, anh Sáng bộc bạch thêm.
Anh Nguyễn Văn Hà (xã thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) tiếp lời:“Chúng tôi phải mua cần câu với giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Trước khi đi, còn phải mua cám, hạt bắp về ủ cho lên men theo công thức của riêng từng người để làm mồi. Mỗi “cần thủ” phải có từ 5 - 6 chiếc cần câu.
Cũng theo anh Hoàng, tùy mỗi loại cá để chọn cần và mồi khác nhau. Đáp lại sự chuẩn bị cầu kì này là niềm hạnh phúc khi câu lên được những con cá “khủng” nặng cả vài chục kg. Phần các anh em nướng ngay tại rừng và đem về làm quà.
Khi màn đêm buông xuống, những con cá là “chiến lợi phẩm” sau một ngày “giằng co” với sông nước. Một con cá trôi nặng hơn 5 kg được câu lên, nhóm thợ câu sơ chế rồi gác lên đống than hồng.
Khi cá đã cháy nhẹ lớp vảy, thịt vàng ươm, anh Hà mang đến một nắm lá sung, lộc vừng để cuốn và chấm với muối kiến vàng.
Ngồi quay quần bên bếp lửa, những đôi tay trần bốc cá nướng chấm muối kiến để “nhấp nhám” và cùng trò chuyện về cuộc sống, gia đình, làm ăn của từng người.
Vì là cá tự nhiên và tươi nên thịt cá rất dài, ngọt. Đặc biệt là khi ăn cùng với các loại rau rừng nên mang lại vẻ lạ miệng, khiến cho những người sành ăn cũng phải gật gù.
Lâu lâu, những “cần thủ” đi ra thăm cần hoặc chờ tiếng chuông báo rung (được gắn ở cần) thì lao ra để kéo cá lên. Tùy vào may mắn từng người, có người câu được con cá trôi nặng vài chục ký, có người câu được toàn cá rô phi và cũng có người ngồi ngóng cá cắn mồi cả ngày.
Sau bữa “đánh chén” no nê giữa rừng, chúng tôi lại cùng vào lán nằm nghỉ. Để tránh cái rét, muỗi rừng, nhóm thợ câu đã đốt nhiều đống lửa quanh trại và dùng màn để che kín.
Cuộc chiến với “thủy quái”
Buổi sáng, chúng tôi được đánh thức bởi những tiếng chim Chrao, tiếng gà rừng gáy te te. Ngày thứ 2 trong rừng, đây được xem là ngày chiến đấu chính thức với những chú cá “khủng” dưới lòng hồ.
Buổi sáng giữa núi rừng, không khí trong lành, mặt hồ Ia Mlá bốc lên những hơi nước mờ ảo. Vì trời quá lạnh nên chúng tôi đã lại quây quần bên bếp lửa và trêu đùa để chờ trời ấm lên.
Khoảng 8h30 sáng, “giờ vàng” để các tay săn cá trổ tài. Anh Hoàng Văn Vũ (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) bộc bạch: “Sau nhiều lần đi câu, chúng tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm để săn được cá lớn. Theo đó, vào khoảng từ 6 - 8h là lúc mà những chú cá rô phi “háu ăn” sẽ ra cắn câu. Còn khi trời ấm, những chú cá trôi “khủng” nằm dưới lòng hồ mới ngoi lên đi kiếm ăn".
Chính vì vậy, nhóm thợ câu của các anh thường chọn những nơi mặt hồ lặng, lòng hồ sâu và cố ném mồi xa nhất có thể để câu cá trôi lớn.
“Mặt hồ này xưa kia là một cánh rừng trũng. Nhưng sau khi đắp đập, nước ngập lên hàng chục mét. Vì vậy, khi câu nơi này, cá các thường bị mắc trúng gốc cây và tẩu thoát nên anh em phải có nghề mới dám câu. Hơn nữa, nguồn lợi thủy sản đây rất dồi dào nên anh em có quy định ngầm với nhau là không cho phép dùng chất nổ hoặc đánh bắt lưới diện rộng nhằm bảo tồn hệ sinh vật”, anh Vũ cho hay.
Nhóm thợ câu có 3 người nhưng dùng gần 15 chiếc cần để câu cá. Chỉ trong hơn 24 tiếng đồng hồ, nhóm đã câu được 6 con cá trôi nặng từ 3 - 5kg và hàng chục con cái rô phi nặng mỗi con gần 1 kg.
Tuy nhiên, số cá lớn bị xổng chạy thoát cũng nhiều không tính xuể. Trong bữa câu hôm nay, anh Sáng đã may mắn trúng được 3 con cá trôi. Con nhỏ cũng nặng gần 3kg và con lớn cũng hơn 5kg…
Gần trưa, mọi người đang trò chuyện thì một chiếc cần câu của anh Sáng reo chuông mạnh. Trong tích tắc, con “thủy quái” bị mắc mồi đáy lòng hồ đã kéo luôn chiếc cần câu ra xa bờ. Lúc này, anh Sáng lao nhanh xuống mặt nước để giữ chiếc cần.
Nhưng chỉ 3 lần chém (nhảy nước), chú cá trôi đã đưa cần câu ra giữa lòng hồ. Không bỏ cuộc, anh Sáng tiếp tục bơi theo dòng nước đuổi theo chú cá nhưng cũng bất lực. Sau nhiều giờ lần mò, anh Sáng đành thất vọng quay lại bờ khi cả cần câu và chú cá trôi “khủng” bị xổng ngay trước mắt.
Anh Sáng lên bờ rồi tếu táo: “Con cá sẩy là con cá to. Cả bộ đồ câu và cần trị giá gần 2 triệu đi tong.”.
Sau 2 ngày “trắng đêm” câu cá trên lòng hồ, một chiếc thuyền lớn đã đón chúng tôi về bằng đường thủy. Nhóm “ngư phủ” tiếp tục ở lại câu đến 3 ngày mới trở về nhà. Đây là một cuộc trải nghiệm thú vị ở núi rừng Krông Pa.
Một đêm ở giữa mênh mông vùng sông núi mà không sử dụng những thiết bị, máy móc hiện đại lại tự thấy cuộc sống còn nhiều điều ý nghĩa.
Phạm Hoàng