Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học

by

(HNM) - Hiện tại, nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã công bố phương án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước, nhiều cơ sở đào tạo đại học sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2020 trường dự kiến triển khai 3 phương thức tuyển sinh: Xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 (80% tổng chỉ tiêu), xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển (10%) và điểm bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (10%). Còn Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tuyển sinh 6 ngành mới và thêm phương thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc các chứng chỉ quốc tế (chiếm 1% tổng chỉ tiêu tuyển sinh). 

Tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nói về điểm mới trong tuyển sinh năm 2020, Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường thay đổi căn bản phương thức tuyển sinh trong năm 2020, không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực, vốn được triển khai suốt 4 năm qua. Thay vào đó, trường sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh độc lập là: Xét tuyển thẳng (chiếm 25% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 (chiếm 75% chỉ tiêu) với các điều kiện cụ thể do trường quy định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm nay trường bổ sung hai phương thức mới là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển dựa trên quy chế riêng của trường. Cụ thể, phương thức thứ nhất là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia (dự kiến 85% tổng chỉ tiêu); thứ hai là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển dựa trên Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của trường (15%). Đặc biệt, năm nay trường không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ và điểm thi được bảo lưu theo quy định tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển.

Về các ngành mới, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 2 ngành mới là Kinh doanh thương mại và Ngôn ngữ Trung Quốc; Trường Đại học Văn Hiến dự kiến mở thêm 7 ngành mới trong năm 2020, gồm: Truyền thông đa phương tiện; Thương mại điện tử; Luật; Công nghệ thực phẩm; Điều dưỡng; Quản lý bệnh viện và ngành Quản lý thể dục thể thao.

Còn tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc cho biết, trong tuyển sinh năm 2020, có 3 điểm mới đáng chú ý là: Hội đồng tuyển sinh đề nghị các trường, khoa thành viên dùng 50% (năm 2019 tối đa là 40%) chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; đối với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến, xét tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ quốc tế; đối với thành viên mới (Trường Đại học An Giang), hệ cao đẳng sư phạm vẫn duy trì, áp dụng xét tuyển bằng học bạ THPT nhưng phải xem xét kỹ, bảo đảm đầu vào tốt hơn. 

Đặc biệt, điểm đổi mới của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay còn thể hiện ở việc Đại học Quốc gia thành phố chú trọng mở rộng sang các tỉnh thuộc Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 2 đợt thi tại tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Cần Thơ. Việc mở rộng địa điểm thi ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp thí sinh và phụ huynh tiếp cận kỳ thi thuận lợi, giảm bớt chi phí và áp lực thi cử.