Cơn sốt khẩu trang y tế: Khẩu trang vải cũng có tác dụng
Tại cuộc họp nóng chiều 31/1, trước cơn sốt khẩu trang y tế tăng giá gấp nhiều lần, khan hiếm hàng, Bộ Y tế cho biết: Hiện dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì khi đến những chỗ nguy cơ cao như đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải.
>>5 người nhiễm virus Corona, Bộ Y tế khẳng định không giấu dịch
>>Khẩu trang y tế: Nơi bán đắt "cắt cổ", chỗ phát miễn phí cho người cần
>>Cảnh người dân chen chúc, giành nhau mua khẩu trang "đông chưa từng có" ở Hà Nội
>>Hà Nội: Xử phạt nhiều cửa hàng “tung hỏa mù" giá khẩu trang, găm hàng trục lợi
>>Giá khẩu trang y tế tăng "điên loạn" lên 300 nghìn đồng/20 cái chỉ trong buổi sáng
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng chống bệnh hô hấp rất tốt, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, khói bụi, phòng nhiều bệnh khác như cúm.
Tuy nhiên chúng ta cần xác định bệnh ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. "Hiện dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng thì khi đến những chỗ nguy cơ cao như đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng mặt nạ N95. Thậm chí có thể dùng khẩu trang vải. Nhưng cần nhớ, nguyên tắc dùng khẩu trang là dùng 1 lần không bao giờ dùng lần 2, vì thế lưu ý giặt hằng ngày", ông Phu nói.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo chỉ người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế điều trị trực tiếp, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95, dùng quần áo bảo hộ lao động đặc biệt.
Người dân không quá hoang mang, khẩu trang được dùng khi ở những nơi có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm, như: Người tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người trong vòng 14 ngày tiếp xúc với người bệnh tự cách ly, đeo khẩu trang. Nếu không có khẩu trang thì khi ho, hắt hơi cũng cần lấy tay che miệng để nếu mắc bệnh thì không lây cho người khác.
Hiện nay dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang diễn biến phức tạp, còn nhiều vấn đề về thời gian ủ bệnh, người lành có lây chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, ngoài việc thường xuyên rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi nguy cơ, nơi công cộng, Bộ Y tế khuyến cáo nếu không có việc thì không nên đến chỗ đông người, không khẩn cấp thì không nên tổ chức hội họp, tụ tập đông người. Ngay cả việc đi lễ hội du xuân nếu không cần thiết thì cũng không nên đi.
Trước thông tin các trang thiết bị phòng chống dịch gồm các thiết bị máy thở, monitor, máy lọc máu… và các vật tư y tế khác như khẩu trang, mặt nạ phòng chống dịch, găng tay, kính bảo hộ bị thiếu, Thạc sĩ Nguyễn Tử Hiếu, đại diện Vụ trang Thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi cho hơn 40 đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế trong nước để đánh giá năng lực sản xuất và hàng tồn kho… Đồng thời đề nghị các đơn vị chủ động sản xuất và đi vào sản xuất ngay sau Tết, chịu trách đảm bảo bình ổn giá và không bán cho đối tượng có hiện tượng đầu cơ, gom hàng tăng giá và xuất khẩu cho các nước khác. Đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung trước mắt cho các cơ sở y tế trước mắt đặc biệt là trang thiết bị phòng chống dịch, sau đó là đáp ứng nhu cầu trong nước để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp không được nâng giá bán để đảm bảo bình ổn thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Ngành y tế cũng đề nghị các đội quản lý thị trưởng phối hợp, kiểm tra giám sát, tránh tình trạng nâng giá quá cao, đặc biệt là khẩu trang.
“Với hơn 40 đơn vị sản xuất trong nước, chúng tôi đánh giá có khả năng đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên thời gian qua có một số đối tượng có lợi dung gom hàng, cộng thêm tâm lý người dân mua gom hàng gây tình trạng thiếu khẩu trang”, Ths Hiếu nói.
Nam Phương