Đeo khẩu trang có thể giúp ngăn chặn virus?

 Dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra dẫn tới sự gia tăng đột biến về nhu cầu sử dụng khẩu trang, khiến các nhà máy làm việc hết công suất để đáp ứng đơn hàng, trong khi các cửa hàng không còn hàng để bán.
>>Thủ tướng Campuchia dọa đuổi phóng viên, quan chức đeo khẩu trang
>>Người Hong Kong dựng lều qua đêm chờ mua khẩu trang phòng virus corona
>>Hiệu thuốc Trung Quốc bị phạt nặng vì tăng giá khẩu trang gấp 6 lần

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/01/29/wuhan-chinaoutbreakcoronavirustemperature-getty-images-1196116329-1580257012932.jpg
Một người đeo khẩu trang khi được kiểm tra thân nhiệt tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Virus corona, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tính đến nay đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 9.000 trường hợp bị lây nhiễm.

Theo một số chuyên gia, khẩu trang được cho là giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, khi những người đang gặp các vấn đề về sức khỏe đeo chúng tại những nơi đông người như phòng cấp cứu, văn phòng, tàu điện ngầm và xe buýt. Khẩu trang có thể giúp ngăn các dịch chứa virus văng ra ngoài không khí hoặc vào mặt của người đứng cạnh khi một người nào đó ho hoặc hắt hơi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tranh cãi về hiệu quả thực sự của khẩu trang như một “công cụ” để ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù khẩu trang có thể giúp hạn chế việc phát tán những dịch chứa virus khi người nhiễm bệnh ho, đây vẫn chỉ là cách phòng vệ “một chiều” và không tạo ra “rào chắn” hiệu quả để ngăn những vi khuẩn độc hại thoát ra ngoài không khí.

“Đây không phải là một trong những biện pháp ngăn chặn (virus) được khuyến nghị đối với những người chưa từng bị nhiễm bệnh”, Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cho biết.

Giáo sư Jimmy Whitworth, chuyên gia về y tế công cộng toàn cầu tại Trường Dịch Tễ và Y học Nhiệt đới London (Anh), cho rằng “có rất ít bằng chứng” cho thấy hiệu quả thực sự của việc đeo khẩu trang.

“Khẩu trang sẽ hữu ích hơn nếu cơ thể bạn có virus và bạn không muốn lây lan virus đó, thay vì chúng được sử dụng để ngăn bạn nhiễm bất kỳ virus nào”, giáo sư Whitworth nhận định.

Satoshi Hiroi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Y tế Công cộng Osaka (Nhật Bản), cho rằng khẩu trang chất lượng cao có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn virus lây lan. Đây là những khẩu trang đắt tiền hơn, vừa khít hơn và được sử dụng để lọc các hạt bụi và không khí ô nhiễm.

“Tuy nhiên, không có gì đảm bảo 100% cả”, ông Hiroi cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cách thức virus corona lây lan.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/01/28/akmed-2801-1580203040771.jpg
Các nhân viên y tế đeo khẩu trang tại bệnh viện ở Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo Straitstimes, trong khi các nhà khoa học và các chuyên gia vẫn đang nỗ lực để nghĩ cách đối phó với virus mới, khẩu trang vẫn là cách phòng ngừa tạm thời.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ chỉ khuyến cáo đeo khẩu trang đối với những người được xác nhận bị nhiễm virus hoặc tin rằng họ có thể đã bị nhiễm virus. Ngoài ra, những người sống cùng hoặc chăm sóc các bệnh nhân nhiễm virus hoặc nghi nhiễm virus cũng nên đeo khẩu trang. Tuy nhiên, trung tâm này không khuyên người bình thường đeo khẩu trang.

Tại cuộc họp báo ngày 28/1, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar nói rằng đeo khẩu trang là không cần thiết đối với hầu hết người Mỹ.

“Tại Mỹ, nguy cơ (nhiễm virus) với bất kỳ công dân Mỹ nào cực kỳ thấp”, Bộ trưởng Azar cho biết.

Tiến sĩ Frank Esper, chuyên gia về dịch bệnh lây nhiễm tại phòng khám Cleveland, cũng cho rằng chỉ những người thực sự nhiễm virus mới nên đeo khẩu trang.

“Nếu họ ho, nếu họ cảm thấy họ có triệu chứng, chúng tôi mới đề nghị họ đeo khẩu trang khi họ tới phòng chờ của chúng tôi hoặc đi ra nơi công cộng. Khẩu trang giúp ngăn chặn sự lây lan”, CBS News dẫn lời ông Esper cho biết.

Theo Tiến sĩ Susy Hota, giám đốc y khoa về ngăn ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại Đại học Mạng lưới Y tế, điều quan trọng nhất là cần sử dụng khẩu trang trong bối cảnh phù hợp.

Chia sẻ với CTV News, bà Hota cho rằng khẩu trang y tế được sử dụng phổ biến trong bệnh viện, nơi các bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, bác sĩ và y tá làm việc trong môi trường khép kín với rất nhiều người bị nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau. Điều này sẽ khác với việc một người bình thường đeo khẩu trang y tế khi đi bộ ngoài đường.

“Ở thời điểm này, hoàn toàn không có lý do gì để mọi người đeo khẩu trang khi đi ngoài đường”, bà Hota nói.

David Williams, người đứng đầu Văn phòng Y tế tỉnh Ontario, Canada, cho biết văn phòng của ông “chưa bao giờ khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng”.

Các loại khẩu trang

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/01/31/masks-1-customd-8390-fd-8344-fd-45319-c-2626158-be-86-ba-614619-b-3-s-600-c-85-1580464185457.jpg
Khẩu trang y tế (trái) và khẩu trang N95 (Ảnh: Getty)

Các bác sĩ cho rằng khẩu trang y tế không có nhiều tác dụng với một người khỏe mạnh, nhưng chúng sẽ hữu ích với những người bị nhiễm virus và không muốn lây lan virus.

Trong khi đó, khẩu trang N95, vốn được thiết kế bằng chất liệu dày hơn cũng như vừa vặn hơn với mũi và miệng, sẽ có tác dụng hơn trong việc ngăn chặn virus lây lan. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ, khẩu trang N95 nếu được sử dụng đúng cách có thể ngăn được ít nhất 95% các hạt nhỏ trong không khí.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tốt nhất, khẩu trang N95 vẫn cần được điều chỉnh để ôm khít mặt người đeo, được đeo đúng cách và thay thường xuyên. N95 cũng là loại khẩu trang được khuyến cáo dành cho các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona.

Nói với NPR News, Tiến sĩ William Schaffner tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết việc đeo khẩu trang N95 đòi hỏi phải có quy định rõ ràng. Theo luật Mỹ, các nhân viên y tế sử dụng loại khẩu trang này phải trải qua bài kiểm tra thường niên để đảm bảo rằng họ đeo khẩu trang đúng cách, sao cho không khí ô nhiễm không thể lọt vào mũi hoặc miệng của họ.

Khẩu trang N95 bị cho là khó đeo vì không tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Một số người thậm chí khó thở khi đeo khẩu trang N95, nhưng ông Schaffner cho biết khẩu trang này có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ người đeo.

Trong khi đó, khẩu trang y tế đỡ gây khó chịu cho người đeo hơn khẩu trang N95. Chúng cũng mỏng hơn, rẻ hơn, dễ thay thế và thường có màu xanh. Tuy nhiên, ông Schaffner dẫn bằng chứng khoa học cho thấy “lợi ích của việc đeo khẩu trang y tế rất thấp” và đây chắc chắn không phải là biện pháp bảo vệ tuyệt đối.

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/01/31/tai-xuong-1-1580464717139.jpg
 Cửa hàng tại Manila, Philippines treo biển hết khẩu trang y tế và N95. (Ảnh: Reuters)

Theo Raina MacIntyre, nhà nghiên cứu về dịch bệnh lây nhiễm, giáo sư về an ninh sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales (Australia) và là người từng nghiên cứu về hiệu quả của các loại khẩu trang, khẩu trang y tế chỉ đơn thuần là “rào chắn” vật lý, bảo vệ người đeo trước “các tia hay dịch chất lỏng hoặc những giọt chất lỏng cỡ lớn”. Khẩu trang y tế được đeo không khít vào mặt, vì thế chúng không thể ngăn được vi khuẩn và những hạt nhỏ trong không khí vẫn có thể lọt qua.

Bà MacIntyre cho biết khẩu trang vải cũng được sử dụng phổ biến tại các nước châu Á và mọi người có thể giặt chúng trước khi tái sử dụng. Tuy nhiên, bà MacIntyre nói rằng hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy khẩu trang vải có tác dụng ngăn chặn virus. Nghiên cứu của MacIntyre thậm chí chỉ ra rằng, khẩu trang vải có thể gây hại nếu chúng không được giặt thường xuyên và khẩu trang bị ẩm có thể ẩn chứa mầm bệnh.

Theo lãnh đạo Văn phòng Y tế Ontario, nhiều người không sử dụng khẩu trang đúng cách, do vậy không phát huy được hiệu quả của khẩu trang.

“Tôi thấy nhiều người đeo khẩu trang, sau đó họ cầm nắm các thứ, rồi họ lại đặt tay lên khẩu trang và chạm vào miệng của họ. Khẩu trang có thể không được làm sạch thường xuyên”, ông Williams cho biết.

Ông Williams thừa nhận việc đeo khẩu trang có giúp mọi người “an tâm” hơn, nhưng theo ông một người khỏe mạnh bình thường không cần phải đeo khẩu trang y tế ở nơi công cộng tại Ontario.

Rửa tay thường xuyên

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2020/01/31/sickvirusfluguidelineshandwashing-1560-x-900-1580464308865.jpg
Sở Y tế Indiana (Mỹ) hướng dẫn 4 bước rửa tay ngăn các bệnh lây nhiễm. (Ảnh: WTIU News)

Theo Tiến sĩ Mark Denison tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, một người đeo khẩu trang sẽ bảo vệ mũi và miệng của họ. Điều này đồng nghĩa với việc khẩu trang sẽ phần nào đó giúp người đeo không phải tiếp nhận những vi khuẩn từ những người nhiễm bệnh.

“Về mặt tâm lý, việc đeo khẩu trang là một điều đáng quan tâm. Tất nhiên, nó sẽ giúp trấn an bạn và có thể ngăn việc bạn đưa tay lên miệng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh tốt và rửa tay thường xuyên”, Tiến sĩ Philippe Klein, người đứng đầu Bệnh viện Quốc tế SOS tại Vũ Hán, cho biết.

Lời khuyên trên cũng là những gì mà các chuyên gia y tế và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ từng khuyến cáo người dân. Họ cho rằng cách tốt nhất để tránh lây nhiễm virus là rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đồng thời phải đảm bảo kỳ cọ tay trong ít nhất 20 giây. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, người dân có thể sử dụng dung dịch vệ sinh chứa ít nhất 60% cồn.

Ngoài ra, người dân cũng được khuyên tránh chạm tay chưa sạch vào mắt, mũi hay miệng, đồng thời tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Sohail Ghandi, chủ tịch Hiệp hội Y tế Ontario, nói với Canadian Press rằng, “việc rửa tay còn hiệu quả hơn so với việc đeo khẩu trang, đặc biệt nếu bạn là người chưa bị nhiễm bệnh”.

Chuyên gia Schaffner cũng khuyến cáo mọi người nên rửa tay thường xuyên. Ông cho rằng nên “rửa tay thường xuyên, liên tục, vào mọi thời điểm - mùa hè, mùa đông, bất kể lúc nào”.

Số liệu về virus corona (cập nhật liên tục)

 Địa điểm Số ca nhiễm Tử vong
Toàn thế giới 9.816 213
Trung Quốc đại lục 9.692 213
Hong Kong 12 
Macao 7 
Đài Loan 9 
Các nơi khác tại châu Á 62 
Châu Âu 13 
Bắc Mỹ 8 
Châu Đại Dương 9 
Các nơi khác 4 

Thành Đạt

Tổng hợp