Không còn cảnh "biển người" tràn ra đường ngồi làm lễ ở chùa Phúc Khánh
by Linh NhiANTD.VN - Đó là một phần của những sự thay đổi khiến nhiều người dân khi đến chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa, Hà Nội cầu bình an cho người thân, gia đình năm 2020 không khỏi bất ngờ. Từ bãi xe miễn phí, xếp thứ tự khóa lễ, giãn ngày cầu an kéo dài... đến các phật tử ngồi gọn gàng trong khuôn viên chùa, không còn cảnh “biển người” vác ghế tràn ra đường vái vọng.
Ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ vào 19h tối 30-1 (tức Mồng 6 Tết âm lịch), tại chùa Phúc Khánh đã diễn ra lễ cầu bình an đầu tiên. Vào thời điểm này, có khoảng hơn 3.000 người tới chùa và được Ban quản lý (BQL) chùa cùng các lực lượng chức năng hướng dẫn chỗ ngồi gọn gàng, chờ khóa lễ trong khuôn viên nhà chùa. Một số người cao tuổi mang theo ghế nhựa ngồi ở bên ngoài cổng chùa, với ý định “vọng loa” cầu kinh đã được các lực lượng chức năng giải thích và hướng dẫn di chuyển vào bên trong.
Theo đại diện BQL chùa Phúc Khánh, năm nay chùa không làm lễ dâng sao giải hạn như mọi năm mà chỉ tổ chức lễ cầu an. Nhà chùa cũng không "niêm yết" giá cho các khóa cầu an này mà tùy tâm nhân dân công đức, nhà chùa vẫn làm chu đáo, đầy đủ các khóa lễ. Năm nay, mỗi buổi cầu an nhà chùa "chốt" danh sách khoảng 3.000 người, sắp xếp ngồi trong khuôn viên của chùa để chấm dứt tình trạng người dân tràn ra lòng đường vái vọng. Cùng với đó, từ ngày mùng 6 Tết âm lịch, vào mỗi tối nhà chùa tổ chức các khóa lễ cầu bình an, lễ kéo dài đến khi nào phục vụ hết nhu cầu của người dân. Dự kiến ngoài ngày 12-1 âm lịch sẽ kết thúc.
Ông Trịnh Thế Lộc - Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa cho biết: “Ngay từ cuối năm 2019, chính quyền địa phương đã phối hợp với đại diện chùa Phúc Khánh chủ động xây dựng nhiều phương án để đảm bảo lễ cầu bình an tại chùa trong những ngày đầu năm mới diễn ra trong trật tự, an toàn, văn minh. Chính vì vậy, trong năm 2020, chùa Phúc Khánh đã đổi mới tổ chức lễ cầu an trong nhiều ngày, mỗi người dân khi đến đăng ký sẽ được phát một phiếu hẹn ghi rõ các thông tin về ngày, giờ đến lễ. Khi hết danh sách của 3.000 người mỗi ngày, nhà chùa sẽ “cắt” chuyển sang ngày tiếp theo. Toàn bộ người dân đến lễ được bố trí, sắp xếp ngồi trong khuôn viên chùa. Chính vì vậy, người dân sẽ chủ động công việc đến làm lễ theo đúng ngày hẹn, không còn cảnh người dân ngồi ra ngoài đường để nghe loa cầu an”.
Theo Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an quận Đống Đa: “Ngày đầu tiên diễn ra khóa lễ cầu an của Chùa Phúc Khánh đã diễn ra trong trật tự, an toàn. Các đơn vị nghiệp vụ và Công an cơ sở đã tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân gửi xe tại bãi xe miễn phí. Cùng với đó, các tổ công tác thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, xử lý các bãi xe tự phát lấn chiếm vỉa hè trông xe xung quanh khu vực chùa. Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo nhiều tổ công tác mật phục chống trộm cắp móc túi, đồng thời phối hợp với nhà chùa đảm bảo công tác phòng cháy - chữa cháy, hướng dẫn người dân các lối thoát nạn”.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 26 ngôi chùa, Công an quận sẽ tổ chức lực lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối, để người dân tham quan, vãn cảnh và cầu an trong trật tự, an toàn.
Chia sẻ sự bất ngờ về công tác tổ chức của chùa Phúc Khánh trong năm nay, chị Nguyễn Thị Lan (SN 1981, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Mọi năm tôi đều đến chùa Phúc Khánh làm lễ cho gia đình, nhiều khi phải đi từ 15h chiều để có được một chỗ kê ghế ngồi "vọng loa". Tuy nhiên, năm nay khi đến đăng kí làm lễ tôi được phát phiếu làm lễ vào ngày 6-1 âm lịch, nhà chùa cũng hướng dẫn tôi thời gian đến làm lễ. Tôi rất bất ngờ vì 18h30 tôi đến và được các tình nguyện viên hướng dẫn sắp xếp vị trí ngồi bên trong khuôn viên chùa. Bên ngoài cổng chùa, lực lượng công an hướng dẫn nơi gửi xe miễn phí rất thuận tiện. Quả thật, đến chùa Phúc Khánh cầu an năm nay thật nhẹ nhàng đúng với không khí bình yên, trang nghiêm nơi cửa Phật".