Thời điểm, căn cứ nào để Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch viêm phổi Vũ Hán?
by H.LANTD.VN -Rạng sáng nay 31/1, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp do chủng virus Corona mới (2019nCoV) gây ra. Do vậy, điều được nhiều người dân quan tâm hiện nay là khi nào Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch viêm phổi Vũ Hán?
Ở Việt Nam, tính đến 15h20 ngày 30/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phát hiện 3 trường hợp là công dân Việt Nam dương tính với virus Corona mới. Tại cuộc họp chiều 30/1, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị pháp lý sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế.
Vậy cơ sở pháp lý về việc ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh theo quy định hiện hành là gì?
Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Virus Corona mới gây viêm phổi cấp. Người mắc bệnh viêm phổi do loại virus này gây ra có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở và có khả năng lây từ người sang người. Do vậy, đây được xem là bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây bệnh là virus Corona.
Về việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, việc ban bố tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo nguyên tắc sau: Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.
Về thẩm quyền bố tình trạng khẩn cấp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp gồm: Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp; Địa bàn trong tình trạng khẩn cấp; Ngày, giờ bắt đầu tình trạng khẩn cấp; Thẩm quyền tổ chức thi hành nghị quyết hoặc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân có trách nhiệm đăng ngay toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thi hành nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa tin kịp thời về các biện pháp đã được áp dụng tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp và tình hình khắc phục hậu quả dịch; đăng toàn văn nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch.
Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc lệnh của Chủ tịch nước ban bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức và nơi công cộng.
Các phương tiện thông tin đại chúng khác ở trung ương và địa phương có trách nhiệm đưa tin về việc ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch và quá trình khắc phục hậu quả dịch.