Bảo vật quốc gia bị hủy hoại vì vẽ bậy
Thừa Thiên - HuếDi tích lịch sử, bảo vật quốc gia liên tục bị vẽ, khắc bậy trong nhiều thập niên. Giới chuyên gia khẳng định hầu hết không thể phục hồi.
by VnExpress"Cầu cho con thi đậu Đại học sư phạm Huế. Ra trường có việc làm, học giỏi, thành đạt, thi đậu học sinh giỏi tỉnh" - Thuyên, 17 tuổi, viết lời nhắn trong Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ bằng bút xóa. Cô để lại cả ngày sinh như nội dung sớ khấn. Bài khấn đã tồn tại 8 năm trên chiếc chuông được xếp hạng Bảo vật Quốc gia.
Căn cứ vào kỳ vọng, Thuyên chắc chắn là một học sinh giỏi. Lần theo họ tên và ngày tháng năm sinh, cô còn được tìm thấy trong một khóa học Phật pháp tại Huế.
Thuyên chỉ là một trong số hàng nghìn người đã hồn nhiên để lại "bút tích" lên Đại Hồng Chung và các tấm bia đá cổ ở chùa Thiên Mụ. Khắp nơi tại Huế, dễ tìm thấy những vết bút xóa, vết khắc lên di tích và bảo vật quốc gia mà các nhà quản lý chưa thể, hoặc vĩnh viễn không thể phục hồi.
"Không thể xóa được"
"Di tích do tiền nhân để lại đang bị xâm hại. Nhiều hiện vật chi chít chữ viết bằng vật nhọn không thể xóa được", tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Huế bày tỏ sự tiếc nuối.
Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương, do chúa Nguyễn Hoàng trên đường vào đất Thuận Hóa trùng hưng năm 1601. Tên chùa gắn liền với triều đại họ Nguyễn xứ Đàng Trong. Đại Hồng Chung là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng 3285 cân (hơn 2.000 kg), cao 2,5 m, đường kính miệng 1,4 m, có hình dáng cân đối; hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh vi với các hình ảnh biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.
Chuông là công trình tiêu biểu về mỹ thuật trang trí, hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Năm 2013, Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.
Nhưng trên chiếc chuông cổ, hiện là những lời cầu an, thỉnh nguyện, ký hiệu yêu đương, hoặc đơn giản chỉ là mong muốn để lại dấu ấn của du khách. Những tấm bảng cấm viết vẽ bậy của nhà chùa đặt trước nhà chuông vô tác dụng. Trải qua năm tháng, Đại Hồng Chung hiện chi chít chữ, đơn vị quản lý không thể xóa hết.
Cùng hoàn cảnh với Đại Hồng Chung, tấm bia đá cẩm thạch xám cao 2,5 m được chạm rồng, đầu và một đoạn thân uốn lượn giữa mây lửa tinh xảo khắc bài "Ngự kiến thiên mụ tự" của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) nói về việc trùng tu tôn tạo chùa Thiên Mụ năm 1715 cũng bị xâm hại. Khách tham quan dùng vật nhọn viết xen kẽ với những chữ khắc từ hơn 400 năm trước, khiến một số ký tự gốc không còn đọc nổi. Tấm bia này là một trong 27 hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 1/2020.
Việc viết, khắc lên di tích đã trở thành một thông lệ ở Huế. Không chỉ có người Việt viết vẽ bậy lên hiện vật, tại các di tích chùa Thiên Mụ còn có cả những dòng check-in bằng tiếng nước ngoài.
Cách chùa Thiên Mụ khoảng 1 km, các tấm bia di tích Văn Thánh - do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý - cũng chằng chịt nét vẽ bậy. Những nội dung quan trọng thể hiện minh triết của cổ nhân, như bia dụ "Ngoại thích bất đắc thân chính" của vua Thiệu Trị về việc bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền, bị tàn phá tới mức khó đọc.
"Bảo vệ chỉ nhắc nhở"
"Từ lúc tôi lên làm trưởng phòng bảo vệ, chưa thấy một du khách hay người dân bị bắt quả tang viết vẽ bậy lên di tích và bị xử lý triệt để. Việc xử phạt hành chính do Thanh tra văn hóa và công an ra quyết định, anh em bảo vệ chỉ nhắc nhở người dân", ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Bảo vệ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói.
Theo ông Nam, tình trạng viết vẽ bậy lên các di tích đã diễn ra nhiều năm, thường xuyên khiến di tích không thể phục hồi, đặc biệt là các hiện vật bằng đá, đồng. "Nhiều di tích rộng lớn nên việc quản lý rất khó khăn, du khách viết vẽ bậy lên các hiện vật mà bảo vệ không hề hay biết", ông trình bày.
Ông Nam phân tích, hiện nay luật hình sự và luật di sản có sự khác nhau về việc xử phạt người viết vẽ bậy lên các di tích. Theo điều 23 Nghị định 158/2013, hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa vẫn chưa quy định cụ thể hành vi xử phạt sẽ xử lý như thế nào.
Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung tội "hủy hoại di vật, cổ vật" vào Điều 178. Điều 345 bộ luật này cũng quy định về tội "vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng". Theo đó, tội phạm được cấu thành khi "hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh".
Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là "hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc" hoặc "hủy hoại di vật, cổ vật". Cho đến nay, Huế chưa ghi nhận trường hợp nào bị khởi tố vì khắc vật nhọn lên di tích.
Cùng số phận với Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ, bảo vật quốc gia bia Khiêm Cung Ký tại Lăng vua Tự Đức cũng chằng chịt dấu bút khách tham quan. Lăng Tự Đức là một địa điểm du lịch trọng yếu, có nhiều bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Tấm bia Khiêm Cung Ký bằng đá thanh khắc bài văn bia do chính hoàng đế Tự Đức (1848-1883) soạn thảo năm 1871 đặt trong khu vực Khiêm Lăng, được các nhà nghiên cứu đánh giá là tấm bia độc đáo nhất trong các bia lăng hoàng đế thời Nguyễn. Với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt, đây là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất. Khiêm Cung Ký cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả, hoàng đế Tự Đức. Bia được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.
Trên Khiêm Cung Ký hiện nay là chi chít chữ của khách tham quan. Những nét chữ quốc ngữ xen lẫn vào những nét chữ Hán được khắc 250 năm trước. Chính giữa bia là một trái tim lớn được khắc kỹ lưỡng đè lên mặt chữ.
Từ hơn 20 năm trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Thừa Thiên Huế đã phải thường xuyên chủ trì việc tẩy xóa các chữ viết, ký hiệu trên các di tích, hiện vật, "tránh trường hợp người dân và du khách đến đó thấy người khác viết được thì mình cũng viết được".
Theo ông Hoa, ngoài việc lắp đặt các biển cấm mang tính răn đe, cơ quan quản lý cũng cần có bảng thuyết minh về các hiện vật, di tích để dân biết giá trị lịch sử của hiện vật đó; xử lý nghiêm các trường hợp quả tang viết vẽ bậy lên di tích để làm gương cho người khác.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng cũng cho rằng nguyên nhân chính của việc viết vẽ bậy tại di tích, ngoài ý thức người dân, là do đơn vị quản lý chưa nghiêm. Theo ông, cần xử phạt nghiêm khắc với những người viết vẽ vậy lên di tích. Không chỉ phạt tiền, phạt tù mà cũng có thể phạt lao động công ích. Các điểm di tích cũng có thể lắp camera, phạt nguội. "Ngoài quy định của luật pháp chung và luật di sản, Huế cũng cần xây dựng nội quy riêng biệt về quản lý đô thị di sản", ông Hằng nói.
Võ Thạnh