WHO tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu thực sự có ý nghĩa gì với đại dịch virus corona?

by

(Tổ Quốc) - Sau những trì hoãn, cuối cùng WHO cũng đã phải tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu trước sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Chỉ trong vòng một tuần, hơn 10 nước có bệnh nhân bị lây nhiễm, hơn 200 người chết và gần chục nghìn người đang mang trong mình mầm bệnh, virus corona bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải thay đổi nhận định ban đầu và tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn thế giới hôm thứ năm (30/1).

Sau một cuộc họp khẩn tại Geneva, WHO thừa nhận "dịch bệnh giờ đây đã đáp ứng tiêu chuẩn của Tình trạng khẩn cấp Y tế công cộng quốc tế" (PHEIC).

https://toquoc.mediacdn.vn/2020/1/31/24084762-7947709-image-a-1761580397343996-15804348227371855651701.jpg
Người dân Trung Quốc tự bảo vệ mình bằng nhiều cách khác nhau (ảnh: getty)

Tổ chức này cũng nhấn mạnh, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp "nên được nhìn nhận theo tinh thần tích cực và hỗ trợ dành cho Trung Quốc, người dân nước này và cũng như những hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên mặt trận đối phó với nạn dịch, với sự minh bạch và hy vọng là sẽ thành công".

"Cùng với sự đoàn kết quốc tế, WHO cảm thấy một nỗ lực mang tính hợp tác toàn cầu là cần thiết để gia tăng sự chuẩn bị cho các khu vực khác của thế giới có thể cần thêm sự hỗ trợ", thông cáo của WHO viết.

Trước đó, WHO từng 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đối với dịch H1N1 vào năm 2009, hai lần vào năm 2014 với bệnh bại liệt và Ebola, vào năm 2016 với virus Zika và vào năm 2018 với bùng phát dịch Ebola.

Trong khi quyết định của WHO nhận được nhiều sự chú ý, việc tổ chức này từ chối làm vậy sớm hơn từng vấp phải không ít chỉ trích. Tuy vậy, đây vẫn là một động thái mang tính chính trị và là tín hiệu tới các chính phủ trên toàn cầu rằng, họ cần phải nhìn nhận dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra một cách nghiêm túc nhất có thể.

Tuyên bố của WHO cũng yêu cầu "tất cả các nước" nên chuẩn bị cho các biện pháp bổ sung và phải chia sẻ thông tin liên quan với WHO theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR).

IHR ra đời vào năm 2005 và được thống nhất bởi đại diện của 196 quốc gia trên thế giới; nhưng theo CNN, hiệp định này hầu như là không có cơ sở.

Các khuyến nghị, ngay cả trong PHEIC thường không có tính ràng buộc. Cũng không có các quy định cấm vận hay trừng phạt sẵn có cho các nước không tuân thủ theo nghĩa vụ trong IHR. Nhiều quy định còn phải dựa vào việc tự báo cáo tiến độ của mỗi chính phủ.

Bên cạnh đó, CNN dẫn lời một số chuyên gia luật y tế từng nhận định, cũng có những lo ngại rằng "Ủy ban Khẩn cấp [của WHO] bị ảnh hưởng bởi chính trị hơn là nghiêm túc xem xét các chứng cứ khoa học".