Khi con vi rút "đốt cháy"… thị trường!

by

(HNMO) - “Vi rút gây bệnh viêm đường hô hấp cấp corona mới (nCoV) có kích thước lớn, nằm trong nước bọt của người bệnh nên chỉ cần khẩu trang y tế bình thường là có thể phòng bệnh, không cần đến các loại khẩu trang chuyên dụng như N95”.

Đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của các bác sĩ.

Nhưng cũng chắc như đinh đóng cột là một thực tế không vui: Ở các thành phố lớn (trong đó có Hà Nội), không chỉ các loại khẩu trang y tế bình thường, mà cả loại N95, đặc biệt là nước rửa tay khô đều đang “cháy hàng” hai ngày nay!

Ai "đốt" mà thị trường các mặt hàng này bị "cháy"?

Đương nhiên đó là do con vi rút nCoV!

Nhưng một mình con vi rút thì không thể "đốt" được cái gì nếu không có “củi lửa”.

Tham gia cùng con vi rút nCoV đến giờ cũng không khó để nhận diện: Đó là những thương nhân bất chấp đạo lý, sẵn sàng tăng giá bán các mặt hàng bảo vệ sức khỏe để trục lợi cho bản thân. Các cửa hàng thì đổ cho cơ sở phân phối, cơ sở phân phối thì đổ cho nhà sản xuất... Tựu trung lại, “củi lửa” ở đây - chính là lòng tham, “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”!

Trục lợi giữa lúc đồng bào quanh mình lo cuống cuồng vì sự an toàn của bản thân, vì sức khỏe của người thân. “Máu tham” và sự trục lợi đó mang màu sắc của độc ác và tội ác!

Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” (Điều 196 - Tội đầu cơ).

Tất nhiên, khi pháp luật đã quy định thì các ngành chức năng ắt ra tay kịp thời. Để ngăn chặn hành vi thu lợi bất chính do dịch bệnh từ vi rút nCoV, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm loại hàng hóa này trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc đẩy giá bán bất hợp lý.

Và cũng tất nhiên, giữa lúc khó khăn, hoạn nạn - bao giờ cũng tỏa sáng những nét đẹp tình người, trái ngược hẳn những căn bệnh tham lam. Trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện những tấm lòng “thương người như thể thương thân”, đi mua gom khẩu trang về phát miễn phí cho người khác.

Ở tầm cao hơn, ngày 30-1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở sản xuất, chuẩn bị số lượng khẩu trang dự phòng từ 15 - 20 triệu cái, để tính đến khả năng phát miễn phí cho người dân trên địa bàn thành phố khi cần thiết. 

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV chưa biết còn diễn tiến phức tạp ra sao. Trong khi đó, ở nước láng giềng Trung Quốc đã thành đại dịch; và không loại trừ khả năng bùng phát thành dịch ở nhiều quốc gia khác. Trung ương Đảng, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội… đã và đang triển khai nhiều biện pháp để kiên quyết, bình tĩnh xử lý các tình huống bảo đảm tối đa sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Tuy nhiên, nhận thức về biện pháp phòng, tránh chưa phải đã đạt yêu cầu và đồng nhất ở tất cả mọi tầng lớp nhân dân.

Ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình, của người thân là rất đáng hoan nghênh. Song, cũng cần có ý thức chăm lo cho cả cộng đồng bằng những biện pháp thiết thực như: Tham gia tuyên truyền những chủ trương, giải pháp phòng, chống bệnh; tổng vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở và làm việc; tham gia khử trùng những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, chợ… để không cho con vi rút nCoV có nơi trú ẩn.

Và từ sự việc con vi rút cùng không ít kẻ đã "đốt cháy" thị trường phương tiện, vật tư phòng bệnh, rất cần biện pháp quản lý mạnh hơn của các cơ quan quản lý, sự lên án của cả cộng đồng để ngăn chặn từ gốc những ý định nhen nhóm “đám cháy” giá cả nhằm mưu lợi.

Tất cả vì sự an toàn, vì lợi ích của mỗi người và cả cộng đồng!