Tránh gián đoạn sản xuất khẩu trang cho phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán
by Chí HiếuBộ trưởng Công thương yêu cầu rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, tránh gián đoạn việc sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
Hôm nay, 31.1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (nCoV) tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương nói riêng.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Y tế, đề nghị chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong nước tăng cường sản xuất các dụng cụ sản phẩm y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch, không để thiếu trang thiết bị phục vụ nhân dân.
Cùng Vụ Thị trường trong nước tổ các các đoàn kiểm tra về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, khẩu trang không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao; có văn bản khẩn chỉ đạo các Cục quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra, nếu có hiện tượng trục lợi phải xử lý ngay.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, ông Tuấn Anh giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước, trong đó cần tập trung hỗ trợ các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để đề xuất các giải pháp cung ứng.
Đảm bảo nguyên vật liệu cho sản hàng thiết yếu phòng dịch
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu bám sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch. Phối hợp với Cục Công nghiệp rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch bệnh.
“Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước. Cần đánh giá một cách tổng quan, toàn diện trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn”, ông Tuấn Anh nói.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Dù vậy, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là lúc phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế cũng như đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng Tuấn Anh, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế, Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.