Dịch virus Corona: WHO chính thức tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Với việc bùng phát chưa từng có tiền lệ của virus Corona, WHO chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với virus Corona. Trên toàn cầu hiện đã có 8.241 ca nhiễm bệnh.

https://static.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/v1.9.100/templates/themes/images/blank.png
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom (trái) và giáo sư Didier Houssin, Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp, nói chuyện với truyền thông tại trụ sở của WHO ở Geneva ngày 30/1. Ảnh: AP.

Cảnh báo khẩn cấp toàn cầu trên được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) vào ngày 30/1, theo giờ Geveva, Thuỵ Sĩ. 

Trong thông báo đính chính, WHO đánh giá nguy cơ của virus Corona là "rất cao" ở Trung Quốc, "cao" ở cấp khu vực, và "cao" ở cấp toàn cầu.

Tại cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: "Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ".

"Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn" - Tổng giám đốc WHO nói.

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là gì?
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.

 PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. 

Thông qua tuyên bố PHEIC, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các quốc gia trong việc chống dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn hoặc giảm các ca lây nhiễm xuyên biên giới, tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết.

Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003. 

Tính đến 23 giờ 30 ngày 30-1 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm virus Corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc.

Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines.

Đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Xem toàn cảnh sự kiện dịch virus Corona trên Gia Đình Mới TẠI ĐÂY 

https://static.ex-cdn.com/giadinhmoi.vn/v1.9.100/templates/themes/images/blank.png

Theo WikiPedia, Tổ chức Y tế Thế giới viết tắt WHO (tiếng Anh: World Health Organization) hoặc OMS (tiếng Pháp: Organisation mondiale de la santé) là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, WHO tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, WHO cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người, WHO sẽ đứng ra để giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.

Kể từ khi WHO được thành lập, nó đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc loại trừ bệnh đậu mùa.

Các ưu tiên hiện tại của tổ chức bao gồm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV / AIDS, Ebola, sốt rét và lao; giảm thiểu những tác động của bệnh không truyền nhiễm; theo dõi sức khoẻ sinh sản và tình dục, sự phát triển và tuổi già; Dinh dưỡng, an ninh lương thực và ăn uống lành mạnh; sức khỏe nghề nghiệp; lạm dụng thuốc kháng sinh; và thúc đẩy sự phát triển của các báo cáo, các ấn phẩm và kết nối mạng toàn cầu.