https://image.viettimes.vn/c666x374/Uploaded/2020/ebhuthp/2020_01_31/vt_da-nang-cang-minh-chong-viem-phoi-vu-han-2-8321864_3112020.jpg
Khu cách ly điều trị bệnh nhân nghi nhiễm virus corona tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Đà Nẵng “căng mình” chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona

VietTimes -- Chiều 31/1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở ban ngành liên quan về công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona gây ra sau thông tin WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

by

Khởi động bệnh viện thời chiến 

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các Sở ban ngành, các cơ quan chức năng trên toàn TP tập trung công tác chuẩn bị, ứng phó với tình huống dịch bệnh xấu nhất có thể xảy ra. Đặc biệt yêu cầu các ngành phối hợp nhịp nhàng, chủ động phòng từ xa, tránh bị động chồng chéo. Nhất là ngành y tế và ngành du lịch trong việc tiếp nhận, cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch nhưng sức khỏe ổn định.

Bên cạnh đó, yêu cầu các ngành y tế, công thương, quản lý thị trường xem xét tình trạng tăng giá, khan hàng khẩu trang y tế phòng chống dịch bệnh. Nhất là các phương án tập dượt, huấn luyện, xây dựng bệnh viện giã chiến trong thời gian 10-15 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên để chủ động điều trị cách ly và dập dịch do virus Corona gây ra.

“Tin khẩn đêm hôm qua, Đà Nẵng tiếp nhận 14 học sinh trở về Đà Nẵng từ Vũ Hán phải thực hiện cách ly theo đúng quy trình 14 ngày. Nhưng khi đưa về thì không khách sạn nhận dù số học sinh này hoàn toàn khỏe mạnh. Buộc UBND TP phải xem xét bố trí cách ly. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị còn thiếu sót”, ông Huỳnh Đức Thơ dẫn chứng.

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, Sở Y tế đã xây dựng phương án xử lý tình huống theo khung của Bộ Y tế, khởi động quy trình giám sát bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay từ đầu tháng 1/2020. Hiện, quy định tiếp nhận và thực hiện quy trình chống dịch rất nhịp nhàng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm giám sát bệnh tật TP. cũng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của đơn vị và toàn bộ hệ thống y tế dự phòng TP. và các quận huyện, sẵn sàng ứng phó với dịch.

https://image.viettimes.vn/Uploaded/2020/ebhuthp/2020_01_30/vt_virus-corona-khach-san-e-am-khau-trang-chay-hang-2-3404388_3012020.jpg
Trong những ngày qua, đã có khoảng 6.000 du khách xuất cảnh khỏi Đà Nẵng, số người Trung Quốc ở TP. này còn lại khoảng 6.000 người.

Cũng theo Sở Y tế, trong thời gian qua, ngành y tế Đà Nẵng đã giám sát 82.987 lượt người. Tính đến 31/1, ngành y tế đã theo dõi 58 ở bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp ở cửa khẩu và 56 ở cộng đồng, người dân tự giác đến cơ sở y tế.

Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, đã thực hiện giám sát y tế 25 trường hợp tại cộng đồng. Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản – Nhi là 2 bệnh viện được chỉ định là nơi tiếp nhận, thu dung bệnh nhân. Cũng trong thời gian qua, ngành y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả 32/39 mẫu âm tính với virus Corona

“Mục tiêu của ngành y tế là phát hiện ca nhiễm và giảm thấp nhất mức thiệt hại, cũng như hạn chế ca mắc bệnh. Hiện công tác tiến nhận, theo dõi, thu dung điều trị được thực hiện tại Bệnh viện Phổi với với 100 phòng và có thể lên 140 phòng. Bắt đầu tuần sau, sẽ chuyển đầu mối thu dung, theo dõi bệnh nhân sang Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đà Nẵng sẽ tập trung điều trị nếu phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên” – Giám đốc Sở Y tế cho hay.

Cũng tại cuộc họp, đại diện phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP Đà Nẵng cho biết, hiện bộ phận xuất nhập cảnh đã từ chối tất cả các khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Đối với du khách còn thời hạn visa thì khuyến cáo hạn chế nhập cảnh. 

“Về số lượng người Trung Quốc trên địa bàn, hiện Đà Nẵng còn khoảng 6.000 người Trung Quốc, tương đương một nửa số người Trung Quốc trước đây” -  đại diện phòng Xuất nhập cảnh (Công an TP Đà Nẵng) thông tin.

Cũng như lực lượng công an, Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cũng cho biết, từ 30 tháng Chạp đến nay có 5.470 khách Trung Quốc nhập cảnh vào Đà Nẵng bằng đường tàu biển, đến nay số này cũng đã xuất cảnh hết. Hiện tại lực lượng quán triệt không cho bất cứ du khách nào nhập cảnh nếu không có kiểm dịch. 

https://image.viettimes.vn/Uploaded/2020/ebhuthp/2020_01_31/vt_da-nang-cang-minh-chong-viem-phoi-vu-han-1-2309744_3112020.jpg
Sân bay quốc tế Đà Nẵng văng khách do lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc và các vùng có dịch vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh Quân khu 5 cũng đã sẵn sàng 2 bệnh viện dã chiến tại Núi Thành (Quảng Nam) và tại Quy Nhơn (Bình Định) với tổng quy mô 350 giường bệnh sẵn sàng phục vụ khi có dịch xảy ra. Đặc biệt, Quân khu 5 cũng đã sẵn sàn khởi động bệnh viện thời chiến cũng như hệ thống y tế dự phòng của lực lượng quân khu và biên chế y bác sĩ, cơ số thuốc sẵn sàng cùng chính quyền ứng phó.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, dừng các hoạt động tập trung đông người tại các địa phương. Và ngành giáo dục sẵn sàng cho học sinh nghỉ học khi có khuyến nghị của ngành y tế.

Kêu gọi các đơn vị cung cấp thiết bị y tế đừng “chặt chém” 

Liên quan đến công tác hậu cần, ứng phó với dịch bệnh, đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tại khu vực miền Trung, Bệnh viện TƯ Huế sẽ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân tại khu vực khi xảy ra ca nhiễm virus Corona. Tuy nhiên, bằng năng lực của ngành y tế TP, Sở Y tế TP đã đề nghị Bộ Y tế được điều trị ca nhiễm bệnh đầu tiên trên địa bàn tại Bệnh viện Đà Nẵng. 

Đồng thời, để đảm bảo cơ số trang thiết bị phục vụ cách ly và điều trị, Sở Y tế Đà Nẵng đã lên phương án chuẩn bị khoảng 10.000 bộ quần áo bảo hộ. Tuy nhiên tại thời điểm, giá quần áo bảo hộ đã tăng cao gấp 2-3 lần gây khó khăn trong công tác mua sắm. “Ước tính nhu cầu cần chuẩn bị 10.000 bộ quần áo bảo hộ cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, giá mỗi bộ từ 80.000 đồng đã tăng lên 160.000 đồng/bộ. Không những vậy mặt hàng này cũng đang khan hiếm vì nhiều tỉnh thành cũng đặt hàng nên cần sớm được phê duyệt” - bác sĩ Ngô Thị Kim Yến nói.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, việc tăng giá đồ bảo hộ được các nhà cung cấp đưa ra lý do là giá nguyên liệu sản xuất tăng cao nên giá thành cũng tăng.

Tương tự, tình hình khẩu trang y tế cũng đang trở nên khan hiếm, nhiều cửa hàng lợi dụng đẩy giá lên cao khiến việc sử dụng khẩu trang trong phòng chống dịch của người dân gặp khó khăn. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, ngành y tế xem xét sớm ban hành tình trạng ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn.

Đối với thị trường giá mặt hàng khẩu trang, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề nghị các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra. Riêng đối với mặt hàng quần áo bảo hộ, ông Thơ cho rằng các đơn vị sản xuất nên xem xét việc tăng giá.

“Ngành y tế xem xét, không khéo lại khan hiếm thị trường khẩu trang y tế. Và các nhà cung cấp trang thiết bị y tế xem xét chặt chém vừa vừa thôi” – ông Thơ nói.

https://image.viettimes.vn/Uploaded/2020/ebhuthp/2020_01_31/vt_da-nang-cang-minh-chong-viem-phoi-vu-han-3-9208609_3112020.jpg
Chiều 31/1, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp khẩn với các sở ban ngành liên quan về công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona

Riêng công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, Chủ tịch TP. Đà Nẵng cho rằng Sở Xây dựng cần chủ động, phối hợp với Sở Y tế và Quân khu 5, sẵn sàng tất cả các phương án xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô 100-200 phòng.

“Đầu tuần tới, Sở phải trình tất cả các phương án để khi cần là phải triển khai ngay. Khi cần, chỉ cần bấm nút là triển khai ngay, trong 10-15 ngày là có ngay bệnh viện” – ông Thơ chỉ đạo.