Trung Quốc mở các chuyến bay đặc biệt đưa công dân Hồ Bắc về nước
by dientu@hanoimoi.com.vnNgày 31-1, nhà chức trách Trung Quốc thông báo, nước này sẽ mở các chuyến bay đặc biệt để đưa người dân từ tỉnh Hồ Bắc đang ở nước ngoài trở về, trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đối phó với bệnh viêm phổi do vi rút corona chủng mới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ điều các máy bay thương mại đặc biệt tới các nước để đưa người dân tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt là cư dân thành phố Vũ Hán, trở về nước sau khi tính tới những khó khăn mà họ đang phải đối mặt ở nước ngoài.
Cùng ngày, Bộ Dân chính Trung Quốc ra khuyến cáo toàn quốc về việc tổ chức đơn giản các lễ tang và hủy các bữa tiệc đám cưới vào buổi tối nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút corona.
Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, tính tới sáng 31-1, tổng cộng đã có 9.692 người nhiễm vi rút coronra trên cả nước này, trong đó gần 2.000 ca mới nhiễm, và 213 người tử vong. Riêng tại "tâm dịch" Hồ Bắc, đã có 5.806 trường hợp nhiễm vi rút corona và 204 người tử vong.
Theo số liệu cập nhật hằng ngày của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong số 43 trường hợp mới tử vong do nhiễm vi rút, 42 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc (Hubei), nơi khởi phát dịch. Chỉ có một trường hợp ở ngoài tỉnh này.
Ngoài ra, khoảng 100 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại ít nhất 18 nước khác. Chưa có bệnh nhân nào tử vong bên ngoài Trung Quốc.
Sáng 31-1 (giờ Việt Nam), Chính phủ Mỹ đã ra khuyến cáo, yêu cầu các công dân "không đi du lịch" đến Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do vi rút corona chủng mới (2019-nCoV) đang diễn biến nghiêm trọng, hiện đã cướp đi sinh mạng của 213 người ở Trung Quốc và khiến hàng nghìn người trên toàn thế giới nhiễm bệnh.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Washington đã nâng mức cảnh báo du lịch của nước này lên mức cao nhất - mức thứ 4 - sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì bệnh viêm phổi cấp do vi rút 2019-nCoV gây ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chính phủ Mỹ chỉ có khả năng hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho các công dân Mỹ ở tỉnh Hồ Bắc". Bộ trên cũng đưa ra những chỉ dẫn dành cho các công dân Mỹ hiện đang có mặt tại Trung Quốc, cho rằng những người này cần "cân nhắc việc rời đi thông qua các phương tiện thương mại", đồng thời nhắc lại yêu cầu toàn bộ các nhân viên Chính phủ Mỹ cùng gia đình phải rời khỏi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. WHO xây dựng cơ chế Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) vào năm 2005. Đây là phương pháp nhằm tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về tài chính, thuốc men và hoạt động tại những vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.
PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4-2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai được ban bố tháng 5-2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch vi rút Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phát dịch vi rút Zika ở châu Mỹ.
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến vi rút corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.