Găm hàng, ‘thổi giá’ khẩu trang sẽ bị xử phạt ra sao?

Ngày 31/1, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một số cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có dấu hiệu găm hàng, không niêm yết giá bán. Không chỉ vậy, người dân còn phản ánh, giá khẩu trang, nước sát khuẩn còn bị “thổi” tăng cao. Hành vi thao túng giá sẽ bị xử phạt ra sao?

by
https://cdnmedia.baotintuc.vn/Upload/CL8u9kkMf4FRZAwokbqA/files/2020/01/khau-trang-tre-em.png
Khẩu trang dành cho trẻ em cũng tăng giá chóng mặt, nhiều hiệu thuốc chỉ bán 1 hoặc 2 cái chứ không bán cả hộp vì lý do "đã có khách đặt trước". Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức.

Như báo Tin tức đã đưa, trong 2 ngày gần đây, số lượng khẩu trang y tế và nước rửa tay sát trùng tiêu thụ mạnh, tăng giá phi mã; trong đó nước rửa tay sát trùng chạm ngưỡng 1 triệu đồng/chai, khẩu trang y tế có loại giá tăng gấp 5 lần vẫn “cháy hàng”.

Tại hiệu thuốc cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, một hộp khẩu trang y tế (loại 50 chiếc màu xanh) được bán với giá từ 200.000 - 300.000 đồng (trước đây là 35.000 đồng). Khẩu trang 3M được bán với giá 80.000 đồng/chiếc (trước đó loại này chỉ bán với giá 12 - 15.000 đồng/chiếc). Khi được hỏi về giá bán, nhân viên một số quầy thuốc né tránh câu trả lời. Có nhân viên cho biết, giá khẩu trang từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc; nhưng sau đó vẫn bán cho người dân với giá đắt gấp nhiều lần mức giá này.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho hay: Theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá. Khoản 1 điều 11 Luật Giá quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

“Hành vi đẩy giá khẩu trang lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo ông Đặng Văn Cường, người nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ, theo điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng hóa trị giá từ 1,5 đến 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm: Hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính một tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến 9 tỷ đồng...

Theo ý kiến của một số luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đối với hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế, nếu có căn cứ để xác định hàng hóa là hàng giả thì hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ. 

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 8389:2010 khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tăng cường công tác quản  nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa; đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona để trục lợi hoặc vận chuyển buôn bán hàng giả.

Nếu phát hiện các hành vi trên có dấu hiệu tội phạm, Bộ Công Thương sẽ chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Tổng cục quản lý thị trường cũng giao Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường là đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo lãnh đạo Tổng cục khi được yêu cầu và chống dịch kết thúc. Các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính sẽ bị xử lý nghiêm.