Lợi dụng dịch bệnh do virus Corona để gom khẩu trang
(PLO)- Đại diện Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng lợi dụng dịch bệnh do virus Corona để gom khẩu trang, bán với giá cao.
Chiều 31-1, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin xung quanh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.
Lợi dụng dịch bệnh để gom hàng
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Vụ phó Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, cho biết ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế để đánh giá năng lực, số lượng tồn kho.
Tính tới nay, Việt Nam có hơn 30 đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, theo đánh giá thì có thể đáp ứng nhu cầu.
Tuy vậy, thời gian qua lợi dụng tâm lý của người dân khi có dịch bệnh, một số cá nhân đã có hành vi gom hàng dẫn tới thiếu khẩu trang.
Hiện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế vẫn đang đốc thúc các đơn vị báo cáo nhưng có một khó khăn là sau đợt nghỉ tết Nguyên đán, tại một số doanh nghiệp thì nhân công vẫn chưa đi vào sản xuất.
Do đó, cơ quan này đã liên hệ, đốc thúc các doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm về bình ổn giá, không bán cho các đối tượng đầu cơ, gom hàng, bán cho các nước khác. Nâng cao đạo đức kinh doanh bằng việc không nâng giá vật tư.
Ngoài ra, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng để giám sát, xử phạt việc tăng giá vật tư y tế quá cao.
Có thể đeo khẩu trang vải
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định có nhiều người chưa hiểu cặn kẽ về thông tin liên quan đến dịch bệnh do virus Corona.
Hiện đã có hơn 9.800 ca bệnh, trong đó tử vong 213 người. Tại Việt Nam, cơ quan chức năng xác định có năm trường hợp dương tính, đây đều là những ca xâm nhập, đi từ TP Vũ Hán về.
“Nghĩa là hiện Việt Nam chưa thấy có sự lây lan từ cộng đồng. Điều này là rất quan trọng trong việc thông tin cảnh báo tới người dân” - ông Phu nói.
Vị này cũng nhắc tới việc WHO công bố trình trạng khẩn cấp toàn cầu và cho biết đây là lần thứ 6 Tổ chức Y tế Thế giới có động thái tương tự. Còn tại Việt Nam, việc này chưa bao giờ có.
Theo ông Phu, công bố của WHO mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay đáp ứng tình hình dịch bệnh, đưa ra các giải pháp, tạo nguồn lực chứ không hề quy định cụ thể các biện pháp hạn chế đi lại hay đóng cửa biên giới.
Từ khuyến cáo của WHO, Việt Nam đã làm rất nhiều hoạt động như chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chuẩn bị nguồn lực… một cách rất quyết liệt.
Đáng chú ý, ông Phu cũng đưa ra những lời khuyên về việc đeo khẩu trang để tránh lây lan dịch bệnh. Theo ông, việc đeo khẩu trang có thể phòng, chống được bệnh hô hấp hoặc ô nhiễm môi trường nhưng ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì phải xem xét.
Hiện nay, dịch bệnh chưa lây lan ra cộng đồng, chúng ta có thể dùng khẩu trang ở những nơi có nguy cơ lây lan cao (bệnh viện, bến xe) và dùng khẩu trang thông thường chứ không nhất thiết phải là khẩu trang N95. Thậm chí, với khẩu trang vải cũng có thể giặt và sử dụng nhiều lần.
“Chỉ những người trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đi vào ổ dịch thì mới dùng N95, thậm chí là mặc quần áo bảo hộ” - ông Phu khẳng định.
Bà Satoko, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết ý nghĩa của việc công bố tình trạng khẩn cấp nhằm mục đích khẳng định cần có sự phối hợp, hỗ trợ toàn cầu để có thể đáp ứng với dịch bệnh.
Đại diện WHO bày tỏ quan ngại về việc lây lan dịch bệnh đến các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh. Do đó, các quốc gia đã có sự chuẩn bị tốt thì tiếp tục duy trì.
WHO đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giám sát, điều trị các ca bệnh cũng như sự cam kết, vào cuộc ở mức cao nhất trong việc ứng phó với dịch bệnh. WHO hoàn toàn tin tưởng vào năng lực kiểm soát, ứng phó dịch bệnh của Việt Nam.