Bác sĩ Trương Hoàng Hưng hướng dẫn rửa tay phòng virus Corona: Chọn nước rửa tay khô, xà phòng thế nào?

Rửa tay sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh như virus, vi khuẩn trên tay nhưng thực sự không phải là từ các chất diệt khuẩn.

Dung dịch rửa tay khô

Trong thời dịch cúm và dịch Corona, món hàng này bán chạy hơn bao giờ hết. Khi chọn dung dịch rửa tay khô để phòng ngừa virus cúm mùa hay Corona, không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chọn loại có chứa cồn 60%-75% là được.

Dung dịch này tiêu diệt được hầu hết các loại virus, nên có tác dụng rất tốt phòng ngừa lây lan thời Corona. Phòng thí nghiệm của TQ cũng cho biết là dung dịch chứa cồn 75% diệt Corona tốt.

Dung dịch cồn 100% không tốt hơn cồn 70% vì thật ra có thêm chút nước sẽ giúp dung dịch này xuyên qua các lớp bên ngoài và diệt virus dễ dàng hơn. Có một nghiên cứu gần đây cho thấy virus cúm sẽ bị bất hoạt trong 3-4 phút sau khi dùng dung dịch này.

Nếu không thể rửa tay, thì đây là lựa chọn rất tốt, nhớ là chà xát lên mọi nơi trên bàn tay.

Tuy nhiên dung dịch này không diệt được hết mọi VI KHUẨN, nên cũng không thể thay thế hoàn toàn rửa tay. Hãng Purell vừa bị FDA cảnh cáo vì quảng cáo sai là diệt được Ebola, MRSA (tụ cầu vàng kháng Methicilline), norovirus, virus cúm mùa.

Đây là sự quảng cáo quá lố, dung dịch cồn diệt virus hiệu quả, nhưng chưa được nghiên cứu trên các virus và vi khuẩn trên, nên FDA không cho Purell quảng cáo mà không có bằng chứng như vậy.

Dung dịch rửa tay khô chứa cồn dùng được trên trẻ em, an toàn với lượng nhỏ bằng hạt đậu để sát khuẩn. Không dùng loại màu mè hay có mùi thơm gây hấp dẫn trẻ em, dùng loại nắp vặn khó mở đối với trẻ em, để ngoài tầm với trẻ. Trẻ vô tình uống phải sẽ bị xỉn, sẽ bị phạt nặng nếu lái xe.

Khi tay có dính nhiều chất bẩn, nên rửa tay.

Rửa tay với xà phòng gì?

https://toquoc.mediacdn.vn/2020/1/31/photo115803948018123112840135a207e1225cp-1580446679396-1580446679885720220370.jpg

Xà phòng có tính lưỡng cực, gồm cả các thành phần phân cực (có thể tan trong nước) hay không phân cực (không tan trong nước như dầu). Đặc điểm này giúp cho xà phòng rửa sạch các chất bẩn trên tay, thành phần không phân cực sẽ bám vào chất bẩn, thành phần phân cực tan trong nước sẽ tách rời chúng khỏi da, và sau đó nhờ dòng nước rửa trôi đi. Đây mới thực sự là nguyên nhân làm sạch của việc rửa tay. Hơn nữa khi rửa tay với xà phòng, chúng ta thường rửa lâu hơn, dội nước rửa cẩn thận hơn, làm tăng hiệu quả của việc rửa tay.

Xà phòng diệt khuẩn là xà phòng được thêm vào các chất kháng vi khuẩn, làm ngăn sự phát triển của vi khuẩn trên da tay, từ đó hy vọng giảm khả năng nhiễm khuẩn.

Về lý thuyết nghe có vẻ hay, nhưng thật ra hiệu quả rất ít vì hầu hết vi khuẩn và virus có thể bị rửa trôi bằng rửa tay đúng cách với xà phòng thường, và các chất kháng khuẩn này không có tác dụng với virus, hơn nữa lại có khả năng gây hại hơn là lợi ích.

Tác hại của xà phòng diệt khuẩn:

- Tác hại tới môi trường: chất Triclosan có trong hầu hết các loại xà phòng diệt khuẩn ảnh hưởng đến hệ động thực vật của môi trường, tuy nhiên chưa ghi nhận ảnh hưởng trực tiếp lên con người.

- Chất Cloroxylenol đã được ghi nhận là có ảnh hưởng xấu lên động vật đặc biệt đối với mèo

- Chất Hexachlorophene đã được biết có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người nếu tiếp xúc nhiều hay kéo dài, nên FDA đã cấm chất này.

https://toquoc.mediacdn.vn/2020/1/31/anhchupmanhinh20190918luc93155sa1568773947195779655836crop157690126819470981721689238ab149cp-1580446682949-15804466829501502256166.jpg
BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU).

Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

- KHÁNG THUỐC: các chất diệt khuẩn tác động lên vi khuẩn kéo dài khiến cho vi khuẩn thích ứng bằng cách đột biến và tạo nên chủng kháng thuốc. Điển hình như Triclosan làm thay đổi cấu trúc men ENRs có chức năng tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, từ đó có thể ảnh hưởng đến các kháng sinh tác động lên thành tế bào như Isoniazid (kháng sinh điều trị lao quan trọng). Nói dễ hiểu là khi vi khuẩn thay đổi để đối kháng Triclosan, vô tình chúng có khả năng kháng cả kháng sinh Isoniazid.

Từ đây, FDA đã cấm Triclosan và 18 chất khác trong xà phòng diệt khuẩn, và từ năm 2013, FDA yêu cầu các hãng sản xuất xà phòng diệt khuẩn phải đệ trình bằng chứng nghiên cứu cho thấy xà phòng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong thời hạn một năm.

Cho tới nay, chưa có bằng chứng gì là xà phòng diệt khuẩn làm giảm nhiễm trùng hơn xà phòng thường.

Như vậy khi dùng xà phòng kháng khuẩn, chúng ta nhận được lợi ích rất ít hoặc không có lợi ích gì, trong khi tạo ra nguy cơ ô nhiễm độc hại tới môi trường và cả chúng ta, và còn huấn luyện vi khuẩn khả năng kháng thuốc.

Do đó nên rửa tay với xà phòng thường là được, quan trọng là rửa kỹ trong 20 giây và xả với nước sạch, mầm bệnh sẽ trôi theo dòng nước.

Không cần và không nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn, vừa không hiệu quả, vừa hại môi trường và huấn luyện vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Cứ xà bông cô Ba mà dùng.

Túm lại trong thời Corona, chỉ cần đeo khẩu trang khi thật sự cần thiết (bình thường đeo không có ích lợi gì), dùng dung dịch rửa tay khô chứa cồn 60-75% và rửa tay với xà phòng thường trong 20 giây và xối nước sạch là đủ.