https://image.viettimes.vn/666x374/Uploaded/2020/spivplcg/2020_01_31/cua-hieu-duoc-pham-philippines---reuters-3113554_3112020.jpg
Một cửa hiệu thuốc ở Manila, Philippines thông báo "cháy hàng" khẩu trang (Ảnh: Reuters)

Đeo khẩu trang hay là không: Nhiều người hoang mang về biện pháp chuẩn phòng ngừa virus corona

VietTimes -- Trong bối cảnh virus corona lan rộng ra nhiều nước trên thế giới thì việc đeo khẩu trang như một biện pháp phòng tránh là dễ hiểu. Thế nhưng ở một số nước vẫn còn có nhiều tranh cãi về việc đeo khẩu trang.

by

"Đừng mang khẩu trang nếu như bạn khỏe mạnh"; một cảnh báo được đưa ra trên trang mặt của tờ báo chính ở Singapore hôm 31/1, trong lúc chính quyền trên khắp thế giới đang tìm cách trấn an dòng người khổng lồ đổ xô đi mua khẩu trang để phòng ngừa virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ở các nước láng giềng như Malaysia, chính phủ lại kêu gọi người dân luôn luôn mang khẩu trang và dung dịch vệ sinh tay; tương tự như ở Thái Lan và Việt Nam.

Những thông điệp mâu thuẫn như vậy đã làm dấy lên sự hoang mang về biện pháp bảo vệ đúng cách trước dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người ở Trung Quốc và lây lan sang hơn 20 quốc gia, trong đó một số chuyên gia nói rằng việc đeo khẩu trang sai cách cũng có thể khiến chủ nhân chịu rủi ro bị lây nhiễm.

"Mang khẩu trang chỉ khi bạn cảm thấy không khỏe ư? Vậy thì tại sao chúng ta cần binh sĩ khi không có chiến tranh? Thà cứ tự bảo vệ trước còn hơn là hối hận sau này" - Kenny Chan Wai Kong, công dân Singapore, đăng tải bình luận trên Facebook sau khi chính quyền tuyên bố kế hoạch phát cho mỗi hộ gia đình 4 khẩu trang do mặt hàng này "cháy hàng".

Ở nhiều khu vực thuộc châu Á, mang khẩu trang là khá phổ biến khi một người bị ốm hoặc muốn chống lại khói bụi độc hại nơi đô thị.

Hướng dẫn chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch (CDC) hiện chưa đề cập tới việc đeo khẩu trang như một biện pháp giúp ngăn chặn virus corona - nhưng các trang web của họ cũng không ngăn cản việc mang khẩu trang.

Chính quyền Australia và Đài Loan cũng nói rằng những người khỏe mạnh thì không cần khẩu trang, thế nhưng Australia lại xả kho y tế quốc gia để tung ra 1 triệu chiếc khẩu trang trong khi ở Đài Bắc, mang khẩu trang là hình ảnh rất phổ biến. Chính quyền Đài Loan cũng hạn chế lượng khẩu trang mà một người có thể mua và cấm xuất khẩu khẩu trang trong bối cảnh khan hiếm.

Cơ quan Đường sắt Đài Loan hôm 31/1 còn nói rằng nếu virus corona tiếp tục lan rộng như hiện nay, họ sẽ từ chối tiếp nhận những hành khách khong mang khẩu trang.

Khẩu trang cần được sử dụng đúng cách

https://image.viettimes.vn/Uploaded/2020/spivplcg/2020_01_31/xep-hang-mua-khau-trang---reuters-1066331_3112020.jpg
Người dân đổ xô đi mua khẩu trang phòng virus corona chủng mới tại một cửa hiệu thuốc ở Manila, Philippines (Ảnh: Reuters)

Virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người, mặc dù vẫn chưa rõ nó lây dễ dàng như thế nào. Phần lớn các trường hợp nhiễm là người dân từng đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - hiện là tâm dịch - thân nhân của người bị nhiễm hoặc các nhân viên y tế.

Việc truyền nhiễm có khả năng cao là thông qua tiếp xúc với người bị nhiễm, khi họ hắt hơi hoặc ho khiến virus phát tán ra không khí xung quanh; hoặc khi một người chạm vào một người hay vật thể nhiễm virus, sau đó lại đụng vào miệng, mũi hoặc mắt mình.

"Những tình huống cần đeo khẩu trang là khi bạn đang ở trong một đám đông...hoặc đang chăm sóc một người bị nhiễm. Nếu muốn an toàn hơn thì hãy mang mặt nạ y tế" - Angela Rasmussen, chuyên gia virus học thuộc Trung tâm bệnh truyền nhiễm và miễn dịch, ĐH Columbia nói với Reuters.

Một số chuyên gia khác cho rằng khẩu trang y tế dùng một lần có thể không ôm chặt lấy khuôn mặt, bởi vậy vẫn có nguy cơ lây nhiễm, trong khi một số khác chỉ ra rằng việc xử lý khẩu trang sai cách - như dùng tay chạm vào phần trước của khẩu trang - cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm.

Ở Hong Kong, một nhà lập pháp thuộc ủy ban y tế, đã bị chỉ trích kịch liệt sau khi đăng tải một đoạn video hướng dẫn cho người dân cách hấp hơi và sử dụng lại những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng.

Một lời khuyên bất thường hơn còn xuất hiện ở Ấn Độ, sau khi chính phủ nước này khuyên người dân dùng một loại đồ uống truyền thống được pha từ gừng và lá húng quế ngọt để bảo vệ bản thân trước virus corona; trong khi một vị Bộ trưởng ở Myanmar bị chỉ trích vì khuyên người dân nên ăn nhiều củ hành.

Một số người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài còn mua cả lô khẩu trang để gửi cho người thân và bạn bè ở Trung Quốc - nơi đã "cháy hàng" khẩu trang do người dân tranh nhau mua.