Coronavirus Vũ Hán: Thông tin thiết yếu mọi người cần biết
Bản chất lây lan và gây bệnh của coronavirus rất giống với bệnh cúm mùa, nhưng loại virus mới gây chết người này đang làm dấy lên nỗi sợ hãi trên toàn thế giới. Đây là lý do tại sao.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Theo Bộ Y tế, cúm mùa đa phần là lành tính, đa phần các ca mắc cúm mùa thường khỏi sau một tuần điều trị thông thường. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường… người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Tương tự, coronavirus có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh, theo CDC (Mỹ).
Bệnh nhân có các triệu chứng: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tính và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn suy yếu nội tạng.
Thực tế, nhiều người trong số các bệnh nhân nhiễm virus nCoV đã chết có mang bệnh sẵn trong người, như tiểu đường và cao huyết áp và hơn 60 tuổi. Những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, trong đó có cả một bé trai 10 tuổi, đã hồi phục sức khỏe và được ra viện.
Tuy nhiên, nCoV gây lo sợ hơn bởi hai lý do sau:
1, Khả năng độc lực mạnh hơn cúm mùa
Giáo sư John McBride chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học James Cook (Úc), cho biết hiện tại có một khoảng trống thông tin nên rất khó để hiểu mức độ nghiêm trọng thực sự của coronavirus, nhưng nó có vẻ nguy hiểm hơn cả bệnh cúm. "Khoảng 25% số người nhiễm bệnh đang bị bệnh nặng và phải nhập viện. Con số này cao hơn cúm, cao hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường, và do đó là mối quan tâm của quốc tế", giáo sư McBride nói.
Giáo sư McBride cho biết tỷ lệ tử vong của coronavirus mới ban đầu được ước tính khá thấp, chỉ khoảng 2%, nhẹ hơn so với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), có nguồn gốc từ Trung Quốc và giết chết gần 800 người trên toàn cầu vào năm 2002 và 2003, nhưng cao hơn bệnh cúm.
Bên cạnh đó, như giáo sư McBride nói ở trên là nỗi lo sợ xuất phát từ khoảng trống thông tin. Trong khi thông tin về loại virus mới này phần nhiều về mức độ lây truyền dễ dàng, mức độ nguy hiểm của nó thì gắn liền với virus này là "mới", "lạ", ít thông tin về mức độ thành công của những nỗ lực ngăn chặn, những phương pháp điều trị hữu ích có thể được phát triển. Do đó, ngay lập tức thu hút sự chú ý của mọi người.
2, Chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng chống coronavirus
Với bệnh cúm mùa, để hạ sốt, chỉ dùng paracetamol khi người bệnh sốt trên 38 độ C. Thuốc đặc hiệu điều trị kháng virus gồm có Tamiflu (oseltamivir phosphate) và Relenza (zanamivir).
Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc đặc trị loại coronavirus, mặc dù một số loại thuốc chống virus có thể làm giảm bớt các triệu chứng. Do đây là viêm phổi do virus, thuốc kháng sinh không có tác dụng, các loại thuốc chống virus hiện tại được dùng cho bệnh cúm thông thường cũng không hiệu quả.
Các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để tìm ra thuốc đặc trị coronavirus.
Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa virus corona. Các thử nghiệm vắcxin phòng chủng virus gây bệnh MERS vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Phòng chống lây nhiễm coronavirus như thế nào?
Trước hết bạn nên hiểu coronavirus có kích thước cực kỳ nhỏ nên phải có môi trường để phát tán, như những giọt nước miếng bắn từ người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho, hoặc từ những người mang mầm bệnh.
Do đó, tương tự như cúm, bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách:
- Tránh tiếp xúc những người bị bệnh.
- Tránh đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông và nước trong ít nhất 20 giây.
- Che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi. Khử trùng các vật dụng và bề mặt đồ dùng bạn chạm vào để tránh lây bệnh cho người khác.
- Nếu bạn là người bệnh, hãy ở nhà và tránh đám đông, tránh tiếp xúc với những người khác.
- Tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu thấy có dấu hiệu sốt, khó thở.
Hồng Thúy