Bố mẹ không tin tôi trầm cảm
Tôi từng đọc rằng trầm cảm là khi không thể yêu cuộc sống, công việc, bản thân và gia đình mình. Càng ngày, tôi càng thấy chẳng thể yêu bố mẹ.
by VnExpressTôi sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, bố làm công nhân, mẹ bán hàng ăn sáng. Tôi có một chị gái và một em gái. Cuộc sống khó khăn, bố mẹ hy sinh rất nhiều cho chị em tôi ăn học đầy đủ.
Chẳng biết từ bao giờ mà tôi "vướng" vào trầm cảm. Chỉ đến khi mọi thứ đi quá kiểm soát vào những năm cuối đại học, tôi mới nhận thức rõ mình đang đau đớn đến mức nào. Ngày ngày tôi chỉ cảm thấy trống rỗng, buồn, mệt mỏi và đau khổ. Những việc làm hàng ngày đơn giản nhất cũng khiến tôi thấy quá sức. Lúc nào tôi cũng thấy như mình đang ở đáy vực sâu hoặc nằm trong một chiếc hộp cực kỳ nhỏ, tôi co người trong đấy và không thể cử động được bất cứ gì ngoài những ngón chân. Nửa đêm tôi thường giật mình thức giấc, thấy tim đập quá nhanh hoặc không làm cách nào tìm được nhịp tim dù thực ra tôi rất bình thường. Tôi thường nhắm mắt trên giường, cơ thể uể oải và tâm trí toàn những mâu thuẫn. Việc thức dậy mỗi sáng như thể là việc khó khăn nhất, tôi không muốn mở mắt, không thể mở mắt, không thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày. Nằm vùi mình trong chăn cũng là một cách tôi giấu những người bạn cùng phòng sự đau đớn của mình.
Tôi không muốn nói chuyện, không muốn gặp ai cả và nếu bắt buộc phải làm điều đó, tôi sẽ kiệt sức rất nhanh. Mọi chuyện tồi tệ hơn nữa khi tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết, ban đầu là sự trốn chạy, càng về sau càng là sự giải thoát. Tâm trạng không thể kiểm soát, đang bình thường tôi cũng có thể khóc. Tôi cũng chẳng cảm nhận được bất cứ thứ gì. Bất kể thức ăn nào cũng quá mặn hoặc quá ngọt đối với tôi, nghĩ đến đã buồn nôn. Tránh để lại sẹo và mọi người biết được, tôi không dùng dao rạch tay mà thường tự véo mình để cảm thấy bản thân đang thực sự sống.
Mọi chuyện thực sự rất tồi tệ nhưng nghĩ đến bố mẹ vất vả ở nhà, tôi buộc phải đi làm và tự nuôi sống mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu, tôi đi làm như những bạn khác. Công việc 7 triệu mỗi tháng đủ nuôi sống bản thân. Hàng ngày tôi vùi đầu vào công việc rồi về nhà ngủ. Tôi chưa từng nói cho bố mẹ tình trạng của mình, sợ bố mẹ lo lắng. Việc ra ngoài tiếp xúc mọi người và tâm sự với vài người bạn không khiến tôi gục ngã, có điều tôi biết dù có trốn tránh cỡ nào thì tâm trí cũng chẳng thể quay lại được bình thường.
Duy trì được khoảng một năm, hy vọng và áp lực phải tốt hơn của tôi khiến tâm trí lại mâu thuẫn thêm nữa. Lần này tôi không tự tin đứng trước mặt mọi người và cười nói như bình thường được. Tôi thực hiện mong muốn chạy trốn của mình. Tôi một mình vào Đà Lạt, không bạn bè hay người thân. Tại Đà Lạt có một người bác họ hàng xa, bố luôn muốn tôi vào đó và nhờ vả bác. Tôi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, tại sao phải gặp một người chưa từng gặp trước đây để cười nói? Sau lần đầu đến nhà bác, dù bác rất niềm nở nhưng lỗi do tôi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Cuộc hội thoại dài nhất của tôi với bố sau 5 năm xa nhà là việc bố bắt tôi phải đến nhà người họ hàng này tiếp tục mối quan hệ. Tôi quá mệt mỏi và mặc kệ tất cả. Dành suốt một thời gian dài suy nghĩ, tôi nhắn tin cho mẹ và nói mình đang trầm cảm, mệt mỏi và trong đầu luôn muốn tự tử, nhận lại là 3 dòng tin nhắn từ mẹ đại ý: người trẻ đều vậy và hãy cố lên. Không cuộc gọi điện hỏi thăm cũng chẳng có mong muốn mang tôi về chữa bệnh. Dù có cố gắng cỡ nào tôi cũng không thể mất dần trong mình sự yêu thương bố mẹ.
Trong Đà Lạt tôi chọn làm công việc tay chân, không muốn dùng bất cứ đầu óc gì. Dù hàng đêm chân đau, gót chân nứt nẻ, tay xót vì xước móng nhưng tôi vẫn ăn ngon và ngủ ngon hơn, điều mà tôi luôn mong muốn trong suốt những ngày tháng trước đó. Những người lạ ở đó nói rằng mặt tôi lúc nào cũng buồn, tại sao trông đáng thương như vậy. Đó mới chính là tâm trạng của tôi.
Sau khoảng thời gian một mình, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn và quyết định về Hà Nội, gần gia đình và bạn bè hơn. Tôi về ở với chị gái trên Hà Nội và mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ. Những người tôi yêu thương nhất lại thường nói những lời khiến tôi tổn thương nhất. Chị stress vì sống chung với tôi. Tôi biết tất cả là lỗi tại mình. Những người sống chung với người bị bệnh trầm cảm nếu không tìm hiểu thì đều cảm thấy như vậy thôi.
Chị tôi nuôi một con mèo. Những ngày mới về lại Hà Nội tôi thường ở nhà một mình với nó. Một ngày bình thường, nó đã quen với tôi và tự động lại gần chân tôi nằm. Lúc này tôi chẳng biết tại sao mình lại bật khóc. Nhiệt độ của con mèo tỏa ra tôi mới nhận ra rằng từ lâu lắm rồi không nhận được bất cứ hơi ấm của cơ thể sống nào. Tôi đã quá cô đơn.
Không muốn tiếp tục phải vật lộn một mình, tôi cũng nhận ra bản thân cô đơn trong chính gia đình mình mà không có bất cứ một chỗ dựa nào lúc gục ngã. Tôi đã nói hết những lời bất hiếu với mẹ. Dù khóc lóc, nói hết lần này đến lần khác rằng bản thân luôn cảm thấy muốn tự tử, vậy mà người nhà tiếp tục cho rằng tôi chỉ là buồn bực, tự mình thu lại và việc này chẳng có gì quan trọng, rằng tôi là đứa bất hiếu, không được tích sự gì. Tôi biết mình có lỗi, quá yếu hèn. Những gì tôi mong muốn chỉ đơn giản là một câu: "Mẹ biết con đã rất đau đớn" thôi. Các cô chú, anh chị có thể cho tôi lời khuyên, làm cách nào để gia đình hiểu được rằng tôi đang mắc bệnh thần kinh không?
Ra Tết này tôi quyết định đi chữa bệnh, dù chẳng có ai ở bên cạnh chăng nữa. Tôi không điều khiển được cảm xúc của bản thân lâu lắm rồi, không muốn hận thù gia đình duy nhất của mình. Cảm ơn mọi người đã đọc những dòng tâm sự tiêu cực này của tôi.
Hoa
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.