Nhiều người Australia không muốn rời Vũ Hán
Wenbo Yu, cư dân Adelaide có vợ và hai con hiện ở Vũ Hán, đang cân nhắc từ chối đề nghị sơ tán khỏi tâm dịch của chính phủ Australia.
by VnExpress"Chúng tôi muốn ở lại Vũ Hán hơn. So với thành phố này, đảo Giáng sinh còn khó lường hơn nhiều", Wenbo cho biết, bày tỏ nỗi quan ngại về việc sơ tán công dân khỏi Vũ Hán theo kế hoạch của chính phủ Australia.
Đảo Giáng sinh ở Ấn Độ Dương, cách lục địa Australia khoảng 2.600 km, sẽ là nơi được sử dụng để cách ly các công dân được sơ tán từ Vũ Hán trong thời gian hai tuần, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo hôm 29/1. Sau thời gian trên, nếu không xuất hiện triệu chứng bệnh, công dân Australia sẽ được đưa tới Perth trước khi tự di chuyển về nhà.
Nhiều gia đình hiện ở Vũ Hán cho biết cảm thấy vui mừng khi chính phủ Australia nhanh chóng có kế hoạch sơ tán công dân khỏi tâm dịch viêm phổi, nhưng lo sợ đảo Giáng sinh, nơi vốn được dùng để tạm giữ người di cư trái phép, không phải nơi tốt đối với trẻ nhỏ. Hơn nữa, nhiều người sợ rằng con cái họ sẽ bị kỳ thị khi phải cách ly trên đảo.
Liu, một bà mẹ ở Sydney đang sống tại Vũ Hán, cho biết sau khi đọc tin tức về đảo Giáng sinh, con gái cô hỏi liệu có phải họ làm sai điều gì không. "Chúng tôi không phải tù nhân. Sao họ có thể đưa chúng tôi tới trại giam thay vì cơ sở y tế riêng biệt", Liu nói.
Wu, cư dân Sydney, cảm thấy khó chịu với kế hoạch sơ tán của chính quyền Thủ tướng Morrison. "Chính phủ sẽ không gửi công dân mắc kẹt ở Vũ Hán tới trại giam trên đảo Giáng sinh nếu họ là người Australia da trắng", cô cho biết.
"Là một người mẹ, tôi không nỡ để con gái mình tới trại giam để cách ly. Chúng tôi buộc phải đồng ý vì đâu còn cách nào khác khi chính phủ chỉ cho chúng tôi một lựa chọn duy nhất để tồn tại", Wu nói, cho biết họ không được hỏi ý kiến trước khi chính phủ đưa ra kế hoạch sơ tán trên.
Cô con gái 6 tháng tuổi Chloe của Xu Yi, người sống ở Melbourne, bị mắc kẹt ở Vũ Hán cùng ông bà do lệnh phong tỏa. Xu Yi cho biết gia đình anh biết ơn chính phủ vì quyết định sơ tán công dân. "Tuy nhiên, bị cách ly trong trại giam trên đảo không phải là kế hoạch thích hợp với gia đình tôi. Con gái tôi mới 6 tháng tuổi. Tôi thấy lo ngại về trang thiết bị y tế và điều kiện vệ sinh ở đó", Xu chia sẻ.
Hiệp hội Y khoa Australia cũng tỏ ra lo ngại về kế hoạch của chính phủ và cho rằng công dân sẽ được cách ly tốt hơn nếu ở đất liền. "Chúng tôi thấy rằng việc đưa công dân hồi hương tới đảo Giáng sinh không phải là giải pháp phù hợp", chủ tịch hiệp hội Tony Bartone nhận định.
Trong khi đó, các gia đình khác cho biết họ sẵn sàng chấp nhận kế hoạch sơ tán. "Chúng tôi hoàn toàn lạc quan về kế hoạch này. Chúng tôi tin tưởng chính phủ và đất nước của mình", một người Australia giấu tên cho biết.
"Thực tế là công dân cần có một nơi ở trong vòng 14 ngày sau khi sơ tán. Chúng tôi không thể sơ tán bệnh viện ở Sydney, Melbourne hay Brisbane. Chúng tôi cần nơi ở đủ cho hàng trăm người và đảo Giáng sinh là nơi hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh này", Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton hôm 30/1 nói về kế hoạch của Thủ tướng Morrison.
Nhiều gia đình cho biết nhận được điện thoại từ đại sứ quán cũng như Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) để thông báo kế hoạch sơ tán. Những người này được yêu cầu trả 1.000 AUD (khoảng 670 USD) tiền phí sơ tán mỗi người, bao gồm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
"Đây là thông lệ từ nhiều năm gần đây, khi người dân được yêu cầu đóng góp chi phí hồi hương khi nhận sự hỗ trợ từ chính phủ. Lần chính phủ điều máy bay sơ tán công dân trong phong trào biểu tình Mùa xuân Arab năm 2011 và xung đột Lebanon năm 2006 là hai ví dụ", DFAT cho hay.
Công dân Australia sử dụng hộ chiếu Trung Quốc để nhập cảnh vào quốc gia này sẽ không nằm trong diện được sơ tán, nhiều gia đình cho biết. Tuy nhiên, hiện chưa rõ hạn chế này có áp dụng với công dân Australia thường trú ở Trung Quốc hay không. DFTA cho hay đại sứ quán Australia đang đàm phán cùng giới chức Trung Quốc về các trường hợp này.
Thanh Tâm (Theo ABC News)