Năng suất ngành dệt may: Làm gì để không 'lỡ nhịp' 4.0?
Để giữ đà phát triển, các doanh nghiệp dệt may phải tự đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu để tăng năng suất. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước bắt nhịp với cuộc cách mạng lớn này.
>>“Phòng ngừa tác động bất lợi của cách mạng 4.0 tới lao động dệt may, thuỷ sản…”
>>Những nghề sáng tạo ‘hái ra tiền’ trong thời đại công nghệ 4.0
>>CMCN 4.0 - Cơ hội cho thế hệ phụ nữ mới chọn dấn thân để thay đổi định kiến giới
Cơ hội đầy áp lực của ngành dệt may
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho hay, cách mạng 4.0 đang tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Trường cho rằng: “Từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh...”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng mang lại không ít áp lực cho ngành dệt may. Theo ông Trường, ngành dệt may hiện nay sử dụng gần 3 triệu lao động, nếu tính cả lao động liên quan như logistics, hoạt động phụ trợ cho dệt may thì số lượng lao động lên tới 5 triệu người.
Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất sẽ khiến dôi dư lực lượng lao động giản đơn. Bởi hiện nay, ngành dệt may có 84,4% lao động phổ thông trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%.
Một thách thức nữa theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam là chi phí sản xuất ngày càng tăng và có xu hướng dịch chuyển đơn hàng giá trị thấp về các nước như Bangladesh, Campuchia vì ở đó tiền lương cho người lao động thấp.
Mặt khác, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì thách thức các doanh nghiệp không thể bỏ qua đó là xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) sản xuất trong thời gian cực ngắn. Nếu như trước đây các doanh nghiệp một mùa mới đưa ra mẫu mới thì bây giờ mẫu mới xuất hiện hằng tuần.
Năng suất ngành dệt may dự báo "bùng nổ"
Năng suất ngành dệt may dự Trước sự chuyển đổi của công nghệ số và cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển hướng, thay đổi mục tiêu sản xuất kinh doanh và thay đổi công nghệ.
Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp này, nhiều doanh nghiệp đã có sự chủ động như Tổng công ty cổ phần May 10, Tổng công ty May Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ, tổng Công ty Đức Giang…
Chia sẻ về điều này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, đơn vị đã áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý, nhờ đó thời gian sản xuất một sản phẩm giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện chỉ còn 690 giây/sản phẩm.
Mỗi công nhân có thể điều khiển 2 máy, thay vì 2 người điều khiển một máy như trước. Nhờ áp dụng các giải pháp về công nghệ, May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%; tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, tăng thu nhập cho công nhân trên 10%...
Để bắt kịp xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu, theo ông Lê Tiến Trường, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhạy bén với thị trường.
Muốn làm được điều đó cần thay đổi tư duy hệ thống, phát triển nguồn lực trước khi đầu tư công nghệ. Đó là giải pháp bền vững, mang lại hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo đánh giá, với việc áp dụng tựđộng hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường.
Thực tiễn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, doanh nghiệp luôn chú trọng phát triển công nghệ tự động hóa, hướng tới việc tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận nhờ lợi thế về quy mô.
Hiện tại, Đức Quân đang có 3 nhà máy với tổng 108.700 cọc sợi cho ra công suất 17.000 tấn/năm. Nhờ vào những ứng dụng mới và đồng bộ hóa các thiết bị nên sản lượng nhà máy mới tăng gấp 2 lần nhưng số lượng lao động vận hành nhà máy chỉ tăng 50%, qua đó tiết giảm cao chi phí lao động và các chi phí khác liên quan.
Ông Lê Tiến Trường đánh giá, ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là Sợi – Dệt nhuộm – May mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động.
“Áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động tăng lên và sử dụng ít lao động hơn nên khoảng cách về chi phí lao động 1 sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại”, ông Trường nhận định.
Cũng theo ông Trường, giai đoạn tới, việc cần chuẩn bị quan trọng nhất đó là luôn luôn cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới trong lĩnh vực này và phải chấp nhận trong giai đoạn này tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới sẽ diễn ra nhanh hơn trước kia.
Các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.
Theo Uyên Chi/Vietq.vn