Triều Tiên có thể thử động cơ tên lửa xuyên lục địa mới

Triều Tiên nhiều khả năng đã kích hoạt động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đời mới trong thử nghiệm "rất quan trọng" ở Sohae, theo chuyên gia.

by

Truyền thông Triều Tiên hôm 7/12 thông báo nước này vừa hoàn tất "thử nghiệm rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae (còn gọi là Dongchang-ri), cho biết hành động này "sẽ có tác động quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên".

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm qua cho biết không có vật thể nào phóng lên từ Sohae gần đây, khiến giới phân tích cho rằng Triều Tiên vừa thử nghiệm động cơ mới cho tên lửa đẩy hạng nặng hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Sohae là nơi phát triển tên lửa đẩy mang vệ tinh và động cơ ICBM của Triều Tiên.

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/09/Sohae-1-3952-1575880319.jpg

Bãi thử Sohae trong ngày 7 và 8/12. Ảnh: Planet Labs.

Nước này từng thử thành công động cơ với sức đẩy lớn tại Sohae hồi tháng 3/2017. Động cơ này sau đó được sử dụng trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 và Hwasong-15, cho phép Triều Tiên đe dọa mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

"Ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện cơ giới và vật thể xuất hiện tại Sohae hôm 7/12 để tiến hành thử nghiệm. Phần lớn đã biến mất vào ngày 8/12, trong khi mặt đất dường như bị cày xới bởi luồng xả từ động cơ tên lửa", Jeffrey Lewis, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Mỹ, nhận xét dựa trên các bức ảnh vệ tinh của hãng Planet Labs.

Các chuyên gia cho rằng trong lần thử nghiệm này, Triều Tiên có thể đã kích hoạt động cơ sử dụng nhiên liệu rắn hoàn toàn mới hoặc kiểm tra biến thể nâng cấp của động cơ ICBM dùng nhiên liệu lỏng. "Bãi thử Dongchang-ri chỉ có cơ sở hạ tầng thử nghiệm động cơ dùng nhiên liệu lỏng", nguồn tin giấu tên trong quân đội Hàn Quốc tiết lộ.

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2019/12/09/Sohae-3-1755-1575880319.jpg
Động cơ ICBM thử nghiệm tại Sohae hồi năm 2017. Ảnh: KCNA.

Bình Nhưỡng đã tìm cách trang bị động cơ nhiên liệu rắn cho các loại tên lửa trong biên chế. "Những quả đạn dùng nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị ngắn, khiến đối phương rất khó phát hiện và đối phó. Nó cũng đơn giản hóa quy trình vận hành và bảo dưỡng, hạn chế mối nguy hiểm thường đi kèm với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

Việc tiến thành thử nghiệm động cơ ICBM có thể là lời cảnh báo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng nước này đang xem xét phóng tên lửa tầm xa. Động thái này, cùng loạt vụ thử vũ khí tầm ngắn và những phát ngôn cứng rắn từ giới chức Triều Tiên gần đây, được cho là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang dần mất kiên nhẫn trong chính sách với Washington.

"Triều Tiên vẫn tránh thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, họ đang tìm cách nâng cấp động cơ và độ chính xác của tên lửa để đặt ra mối đe dọa hạt nhân đáng tin cậy", Leif-Eric Easleu, phó giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, cho hay.

Vũ Anh (Theo Yonhap)