Thời gian giải quyết một vụ tai nạn giao thông là bao lâu?
“Tôi muốn hỏi về thời gian theo quy định để giải quyết một vụ tai nạn giao thông (trường hợp không khởi tố vụ án, hai bên đã giải quyết dân sự) là bao nhiêu ngày và được quy định cụ thể trong văn bản nào?”- một người dân gửi thắc mắc tới Bộ Công an.
>>“Mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người”
>>Tai nạn giao thông liên quan người nước ngoài được xử lý như thế nào?
Giải đáp câu hỏi này, Bộ Công an cho biết, đối với các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 77/2012/TT-BCA và Thông tư số 73/2012/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo đó, trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu phạm tội, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông, cơ quan Cảnh sát giao thông phải tiến hành xem xét, điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông.
Đối với vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần điều tra, xác minh thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Trong trường hợp xác định vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm thì chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra, giải quyết theo thẩm quyền, thời hạn giải quyết vụ tai nạn thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với vụ tai nạn giao thông đường sắt, Bộ Công an cho biết Thông tư số 34/2018/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định: Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý điều tra, giải quyết tất cả các vụ tai nạn giao thông đường sắt, thời hạn giải quyết vụ tai nạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Quá trình điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính chuyển cho Cảnh sát giao thông xử lý thì thời hạn giải quyết được áp dụng theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Theo đó, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.
Xử lý hành vi xả chất thải độc gây ô nhiễm nguồn nước
Một người dân phản ánh, thời gian gần đây hành vi xả chất thải độc gây ô nhiễm nguồn nước đã làm thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bức xúc trong dư luận. “Hành vi xả chất thải độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sẽ bị xử lý như thế nào và quy định tại văn bản nào?”- người dân hỏi.
Theo Bộ Công an, hành vi xả chất thải độc hại có thể được hiểu là hành vi xả nước thải, chất thải rắn có chứa thành phần nguy hại (chất thải nguy hại) vào nguồn nước. Phụ thuộc vào khối lượng nước thải, chất thải rắn chứa thành phần nguy hại nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, xử lý về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Thế Kha