Thủ tướng: Cổng dịch vụ công Quốc gia là công cụ quan trọng chống nhũng nhiễu, tiêu cực
VietTimes -- Đánh giá về Cổng Dịch vụ công Quốc gia vừa được khai trương tại địa chỉ dichvucong.gov.vn, Thủ tướng cho rằng đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ “góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính”, Thủ tướng nói.
by Anh LêNhấn mạnh về ý nghĩa của Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) tại lễ khai trương vừa diễn ra chiều nay (9/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý: Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa, bởi tỉnh và bộ, ngành phải là đơn vị cung cấp dịch vụ công là chính.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng cổng dịch vụ công các cấp và Cổng DVCQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các hệ thống Chính phủ điện tử, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử. Những nước thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử đều coi Cổng dịch vụ công là một trong những hệ thống trụ cột được chú trọng xây dựng và liên tục nâng cấp để hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
"Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Hôm nay chỉ mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ công", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ban đề án, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng DVCQG sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tái sử dụng các thông tin. Từ đó, chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính giảm đáng kể. Riêng việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng DVCQG.
Để bảo đảm sự ổn định thông suốt của cả hệ thống dịch vụ công, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp bảo đảm an toàn an ninh thông tin đối với các hạng mục trong Chính phủ điện tử, trong đó có hệ thống cổng dịch vụ công.
Cùng với đó, các bộ, các tỉnh tiếp tục nâng cấp cổng dịch vụ công của bộ, địa phương để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng DVCQG, nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng DVCQG.
"Các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống", Thủ tướng lưu ý thêm.
4 kênh thanh toán kết nối Cổng DVCQG
Sau 9 tháng triển khai quyết liệt, Cổng DVCQG đưa vào hoạt động góp phần làm minh bạch hóa, giảm thời gian và chi phí để người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
Hiện người dân có 4 kênh thanh toán điện tử khi sử dụng dịch vụ tại Cổng DVCQG, gồm Ví điện tử MoMo, VNPT Pay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến, đơn vị cung cấp Ví điện tử MoMo cho biết MoMo sẽ miễn thu phí dịch vụ trong giai đoạn đầu để khuyến khích người dân sử dụng, đồng thời, phối hợp với các tỉnh/thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tạo thói quen sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện, Cổng DVCQG vẫn đang thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ công thiết yếu như: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ ảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp,... Do đó, việc kết nối giữa kênh thanh toán này và các tỉnh/thành phố khác sẽ vẫn diễn ra bình thường.
Về lâu dài, khi Cổng DVCQG đi vào ổn định thì với các tỉnh, thành phố đã kết nối với Ví MoMo trước đó, dữ liệu của Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố này sẽ được liên kết vào Cổng DVCQG, tập trung về một mối. Tuy nhiên, với những dịch vụ công mang tính đặc thù của từng địa phương thì vẫn do địa phương giải quyết.
Cổng CDVCQG bao gồm 6 cấu phần chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan TTHC; Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, tỉnh; Nền tảng thanh toán trực tuyến; Hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; Tích hợp các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Trước mắt, Cổng DVCQG sẽ cung cấp 8 nhóm dịch vụ công thiết yếu nhất, bao gồm: 4 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Nhóm dịch vụ cấp điện hạ áp phục vụ người dân và hộ gia đình, cấp điện trung áp phục vụ doanh nghiệp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.
Cùng với đó, 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ là: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.