Ánh Viên đi xuống hay tư duy làm thể thao cần thay đổi
by Nguyên trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng MinhNguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh đưa ra quan điểm từ thành tích của Ánh Viên tại SEA Games 30.
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đăng ký tham dự 10 nội dung và giành 6 HCV cho bơi Việt Nam tại SEA Games 30. Xét về huy chương, "Tiểu tiên cá" đã có giải đấu thành công. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích cá nhân, chúng ta thấy nhiều vấn đề.
Công lao to lớn của Ánh Viên với thể thao nước nhà
Đầu tiên, tôi cần nói mình rất xúc động trước công lao to lớn của Ánh Viên với môn bơi và thể thao Việt Nam. Những hy sinh của cô gái này rất đáng trân trọng và đáng quý, là biểu tượng về sự hy sinh, nỗ lực cho các thế hệ sau này noi theo.
Từ đó, tôi càng thấy buồn và xót xa hơn khi Ánh Viên nhận HCV nhưng vẫn khóc vì "rất buồn khi không đạt kết quả tốt". Trong mỗi lần phỏng vấn, Ánh Viên luôn nói giảm, khiêm nhường và khẳng định mình chỉ biết cố gắng, nỗ lực hết sức để đạt kết quả tốt nhất.
Trong thể thao thành tích cao, nỗ lực và ý chí là phẩm chất tâm lý cần thiết nhất cho bất cứ VĐV nào. Nếu xem đội tuyển bóng đá nữ thi đấu trận chung kết với Thái Lan, chúng ta cũng có những suy nghĩ và cảm xúc như thế. Tất cả đã nỗ lực tột cùng. Thiếu cái đó là thiếu giá trị tinh thần quyết định thành tích.
Phong trào Olympic luôn muốn thông qua thể thao để cổ vũ những người trẻ rèn luyện, nâng cao ý chí, thể chất và tinh thần để vươn lên chính mình, vươn tới thành tích cao hơn, vượt qua khả năng để chứng minh giới hạn của con người là rất lớn lao mà chúng ta chưa thể vươn tới được.
Bản chất về khả năng là có giới hạn. Tuy nhiên, giới hạn đó ở đâu thì khoa học chưa tìm thấy. Mỗi năm, mỗi giải đấu, thành tích của VĐV dường như đang chứng minh khả năng ấy là vô hạn.
Nói thế để thấy, những gì Ánh Viên phải chịu đựng là quá nhiều, quá khủng khiếp. Theo dõi từ thuở thiếu thời, cho đến giờ đã 23, 24 tuổi, chúng ta càng trân trọng nỗ lực của cô ấy. Xem VĐV trải qua quyết liệt, cam go, khó khăn để mang lại HCV cho đất nước, sự ca ngợi là tự nhiên và xứng đáng.
Nhìn từ việc sa sút về thành tích cá nhân của Ánh Viên
Chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng thành tích của Ánh Viên không còn được như trước. Cô ấy không vượt qua đỉnh cao ở tất cả nội dung thi đấu, từ 400 m hỗn hợp, ngửa hay tự do đều thấp hơn thời kỳ đỉnh cao tại SEA Games 2015.
Ánh Viên cũng thừa nhận thành tích kém và thể hiện sự không vui. Vấn đề là chúng ta phải tìm rõ căn nguyên. Phải chăng đã đến lúc tìm ra hướng đi quan trọng, đúng đắn cho các VĐV ưu tú rằng họ có phải tham gia nhiều nội dung như thế không?
Họ cần được xác định mục tiêu nào là chính, là lựa chọn của các nhà quản lý khi tổ chức một môn, hoặc của cấp lãnh đạo. Đoàn thể thao Việt Nam giao chỉ tiêu cho Ánh Viên giành tới 8 HCV tại SEA Games 30.
Thành tích của cô ấy có thể ảnh hưởng đến kết quả và thứ hạng của cả đoàn. Thành tích ấy, không tạo điều kiện cho VĐV vươn lên đỉnh cao hơn. Đó là điều rất quan trọng trong thể thao thành tích cao.
Bơi, điền kinh hay TDDC là những môn danh giá, nằm trong chương trình Olympic. Chúng ta phải làm sao để các VĐV có cơ hội tranh chấp huy chương ở đấu trường thế giới.
SEA Games và Olympic là hai vấn đề rất khác nhau. Ở đây, quan điểm về thành tích SEA Games đã trở thành lối mòn, quan điểm của giới thể thao chưa đổi thay được. Từ đó VĐV xuất sắc như Ánh Viên rơi vào tình cảnh như hiện nay.
Sau thất bại tại Asian Games HLV Đặng Anh Tuấn nói mục tiêu hướng đến cho Ánh Viên là SEA Games. Đó là điều thực sự đáng tiếc nhưng chúng ta phải chấp nhận. Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, Ánh Viên luôn lặp lại "chỉ biết cố gắng". Bản thân cô ấy phải thực hiện nhiệm vụ thể hiện mâu thuẫn trong tư duy.
Phải chăng vấn đề lại cần phải xác định lại. Chúng ta cần xác định đường hướng, đầu tư và quan điểm rõ ràng, những vấn đề đó ảnh hưởng tới các VĐV trẻ và tài năng khác. Đến giờ mục tiêu thứ hạng tổng sắp cần đổi thay. Không vì nó mà ảnh hưởng đến sự bứt phá của VĐV.
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã hai lần tuyên bố thứ hạng ba hay bốn không quan trọng bằng việc đầu tư cho VĐV vươn tầm thế giới. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của một cá nhân. Chúng ta phải thúc đẩy để có nhiều VĐV bứt phá ra khỏi đấu trường SEA Games.
Đến đây, tôi cần phải nói về vai trò của truyền thông, báo chí là đặc biệt quan trọng với đối với thể thao. Trong những ngày qua của SEA Games 30 cũng như nhiều sự kiện thể thao khác, giới truyền thông thực sự truyền tải những thông tin quan trọng.
Nhiều bài viết ca ngợi vai trò và sự tiến bộ của tập thể cán bộ, chuyên gia, HLV và VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam, cổ vũ các VĐV tiếp tục nỗ lực, cống hiến vì thành tích chung. Từ đó giúp VĐV hiểu hơn, yêu mến và trân trong cũng như cảm thấy vinh dự với những nỗ lực và đóng góp của mình.
Lãnh đạo đã nhìn thấy vấn đề từ lâu
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 Trần Đức Phấn khẳng định lãnh đạo ngành và bộ môn đã nắm vấn đề từ trước ngày SEA Games khởi tranh. "Không phải tới bây giờ chúng tôi mới nhận ra vấn đề mà đã nhìn ra từ trước rồi. Sắp tới, ngành thể thao vẫn phải đầu tư để Ánh Viên lấy chuẩn Olympic. Tôi nghĩ phải có sự trao đổi giữa lãnh đạo và Ban huấn luyện, phải điều chỉnh lại toàn bộ."
"Không phải ai cũng giành tới 8 HCV ở một kỳ đại hội. Trên thế giới rất ít người làm được việc này. Tuy nhiên, để Ánh Viên đạt mục tiêu cao hơn là Asian Games và Olympic, chắc chắn phải điều chỉnh lại toàn bộ. Chúng tôi sẽ có cuộc làm việc, bàn bạc kỹ về vấn đề này."
Nguồn: Zing.vn