Kỷ nguyên thứ ba của Google và Alphabet với CEO Sundar Pichai hóa ra đã bắt đầu từ trước
Chắc hẳn chuyện CEO của Google Sundar Pichai được bổ nhiệm kiêm luôn cả vị trí CEO của Alphabet vào ngày thứ Ba tuần trước đã khiến nhiều người bất ngờ.
Ảnh: The Verge
Về mặt lý thuyết, ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng một kỷ nguyên mới đối với Alphabet sẽ được đánh dấu bằng thời điểm Sundar Pichai nhậm chức CEO của công ty này. Đây là quyết định từ chức của hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin.
Bên cạnh phản ứng bất ngờ là cái cảm giác rằng việc thay đổi về bộ máy lãnh đạo lần này không phải là một bước thay đổi lớn mà nó chỉ là sự hợp thức hóa của cái chu trình vận hành đã tồn tại từ trước đó nhiều năm. Dễ thấy rằng trong khoảng thời gian nắm giữ chức vụ CEO của Alphabet, Page đã không duy trì đủ sự hiện diện cần thiết trước công chúng lẫn trong nội bộ công ty. Nhưng một công ty như Alphabet thì luôn cần một có một nhà điều hành năng động và người ấy, không ai khác, chính là Pichai.
Google khẳng định rằng Page và Brin vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò là nhân viên của Alphabet, họ chỉ đơn thuần là trao quyền cho người khác mà thôi. Cụ thể, trong bức thư thông báo quyết định từ chức, Page và Brin có viết: "Chúng tôi sẽ giúp điều hướng Google và Alphabet trong những mục tiêu dài hạn, đồng thời tiếp tục tích cực hoạt động với trách nghiệm của một thành viên Hội đồng Quản trị, cổ đông và đồng sáng lập".
Cách thức mà hai nhà đồng sáng lập này tham gia vào điều hành công ty với những vai trò mới kể trên chính là phần quan trọng của câu chuyện. Bởi Page và Brin hiện nắm giữ lượng cổ phần rất lớn. Đây là thứ trao cho họ quyền lực vượt qua không chỉ là Pichai mà còn là cả hội đồng quản trị tức là họ có quyền lực tuyệt đối đủ để cho phép họ làm bất kì điều gì mình muốn đối với công ty. Song ta có thể dễ thấy rằng Page và Brin chưa thực sự sử dụng thứ quyền lực ấy.
Từ đó lại xuất hiện một nghịch lý: Pichai là người đứng ra điều hành công ty nhưng lại không có quyền lực tuyệt đối, trái lại, Page và Brin tuy không phải chịu trách nhiệm kể trên nhưng lại có toàn quyền kiểm soát. Điều này đã tạo ra một tình huống phức tạp như chính cái cấu trúc điều hành của Alphabet vậy.
Alphabet được hình thành vào năm 2015 như một cách để tách mảng kinh doanh chính của Google khỏi những dự án "vui vẻ" của Page và Brin. Đó cũng là lúc Sundar Pichai được dựng lên để điều hành Google. Nếu nhìn lại ta có thể thấy được rằng hóa ra những nốt thăng trong quãng thời gian nắm quyền của Pichai đều chỉ là những nỗ lực của ông trong việc dọn dẹp lại mớ bừa bộn nảy sinh ra từ chính văn hóa nội bộ của Google vào thời điểm ấy.
Có thể nói Sundar Pichai là người xứng đáng với vị trí ấy. Trong khoảng thời gian hoạt động, anh đều đặn mang tới những sản phẩm tốt cho công ty này. Đầu tiên phải kể tới chính là Google Toolbar, rồi Chrome, rồi tới những ứng dụng trực tuyến của Google, và rồi là những cải thiện về các sản phẩm phần cứng. Cứ thế cứ thế, anh dần tiến tới những sản phẩm, giải pháp gần gũi với hơn người dùng. Hành trình ấy sau cùng đã đưa anh tới điểm đến cuối: vị trí CEO của Google.
Mặc cho sự thật rằng những sản phẩm mà Google tạo ra đều rất đột phá và sáng tạo nhưng chúng chỉ là một chuỗi những nỗ lực vô hướng và không nhận được sư rèn rũa cần thiết để tỏa sáng. Với cương vị CEO của mình, Pichai có trách nhiệm phải kéo những sản phẩm này ra khỏi quá trình "thử nghiệm" dài vô tận. Rồi cùng lúc ấy, anh cũng phải đảm bảo rằng những công nghệ của tương lai, đặc biệt là những phát minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, phải sớm trở thành những sản phẩm đúng nghĩa. Nếu chỉ xét trên góc độ bán hàng mà trong đó, quảng cáo là một sản phẩm kiếm lời, thì Pichai đã rất thành công.
Dù rằng Google sau này vẫn sẽ là Google trước đó, vẫn tung ra ý tưởng kì dị nhưng trong nội bộ công ty này đã dần hình thành một thứ mà trước kia họ luôn thiếu vắng: một định hướng đúng đắn để theo đuổi.
Có thể việc chia lịch sử của Google theo những mốc thời gian là không cần thiết, nhưng nó sẽ giúp ta dễ dàng hơn trong việc phân tích nó. Giai đoạn thứ nhất tính từ những ngày đầu khởi nghiệp trong căn phòng kí túc xá của Đại học Stanford tới khoảng thời gian được dẫn dắt bởi Eric Schmidt giúp lần đầu tiên đưa Google lên sàn chứng khoán và hoàn thành thương vụ mua lại Youtube cùng DoubleClick – từ khoảng 1996 đến 2007. Tiếp theo là khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2015, đây là quảng thời gian đã chứng kiến được bước tăng trưởng thần kì của Google trên khắp các chiến tuyến mà đặc biệt là các mảng như thiết bị di đông, quảng cáo và web.
Kỉ nguyên thứ ba được đánh dấu bằng sự thành lập của Alphabet vào năm 2015. Nhưng đúng ra mà nói thì đây giống với một cuộc khủng hoảng hơn. Quyết định tách những mảng mang tính thử nghiệm ra khỏi Google để hoạt động cùng dưới một mái nhà nghe thì tưởng chừng như một ý tưởng nhưng về mặt thực tế ai ai cũng biết rằng đó vẫn chỉ là Google đặt bên những dự án thử nghiệm mang đầy tính rủi ro.
Với cái nhìn của thời điểm ấy, việc thành lập Alphabet không phải là thứ đã hình thành kỉ nguyên mới đối với Google. Nhưng giờ đây Sundar Pichai đã kiêm luôn cả trọng trách điều hành Alphabet song song với Google. Có nghĩa là anh cũng có thể lại được tiếp tục tiến hành công việc dọn dẹp bãi đổ nát của chính Alphabet như những gì anh đã từng làm với Google. Có thể lắm chứ, nhất là khi trong thông báo từ chức, Page và Brin đã hứa hẹn rằng "sẽ thường xuyên thảo luận với Sundar, đặc biệt là về những chủ đề tâm huyết". Nhưng đó không phải là điều mà Pichai nên ưu tiên nhất bây giờ.
Thứ mà anh cần giải quyết tiên nhất nằm ở trong nội tâm của Google. Đó không chỉ là những hệ quả để lại của văn hóa Google trên những sản phẩm mà còn là tìm cách để ổn định chúng. Và sau đó là định hướng công ty trong giai đoạn bùng nổ của nhiều bộ luật mới, của chống độc quyền, của những làn sóng phản đối và của những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng.
Cái văn hóa nội bộ trong Google hiện đang thay đổi rất nhanh và số vụ việc khiến nhân viên công ty này thất vọng thì cũng chẳng ít. Một số ví dụ có thể kể tên ra như vụ lùm xùm liên quan tới James Damore, hay như đợt phản đối Google Walkout bùng nổ sau khi khoản tiền chi ra để buộc Andy Rubin rời công ty, hoặc là quyết định hạn chế quy mô của những buổi tọa đàm giữa nhân viên với các nhà quản lí cùng với đó là những cáo buộc về hành vi trả đũa nhân viên.
Để liệt kê ra danh sách những lùm xùm xoay quanh Google chắc ta sẽ còn phải mất thêm nhiều trang giấy nữa. Nhưng nếu được chọn ra một thất bại lớn nhất của Sundar Pichai trong bốn năm cầm quyền của mình thì đó chính là xu hướng ngày càng gia tăng của sự đối nghịch và những thiếu sót trong cách mà công ty này tương tác với những nhân viên có lập trường chính trị rõ ràng.
Bên cạnh đó còn là những áp lực từ bên ngoài - cơn bão lớn dễ khiến Google lạc mất phương hướng. Cụ thể, đó chính là sự khắt khe ngày càng gia tăng của giới hành pháp Mỹ trong việc kiểm soát các công ty công nghệ và tạo sân chơi với những mức độ cạnh tranh lành mạnh. Châu Âu thì đã nắm chắc trong tay vũ khí của mình - là đạo luật GDPR - cùng những điều khoản mới sắp được nhắm tới hệ điều hành Android.
Nếu gọi hai kỉ nguyên đầu của Google là thời kì mà công ty này phát triển công nghệ và bành trướng sức mạnh thì kỉ nguyên thứ ba này chính là lúc để họ khắc phục những hệ quả của hai giai đoạn trước. Phép so sánh này tồn tại vì, đối với cả những người thuộc nội bộ công ty lẫn những tổ chức bên ngoài, câu hỏi làm thế nào để điều khiển những công ty có quy mô tương tự với Google vẫn còn chưa có lời giải đáp. Chúng ta chỉ đơn thuần biết được rằng Page và Brin đều đã quyết định ngừng lại việc tìm câu trả lời cho vấn đề kể trên.
Kỉ nguyên thứ ba của Google đã bắt đầu từ lâu. Nhưng phải cho tới tận bây giờ, sau quyết định từ chức của hai nhà đồng sáng lập, nó mới chính thức được công khai.
Trung ND