Mỹ hoang mang điều binh chống Nga-Trung

Tiềm lực thị trường Nga-Trung, chưa tính tiềm lực quân sự, rất lớn với tổng diện tích gấp 3 lần Mỹ, dân số 1,58 tỷ người, chiếm 20 dân số thế giới.

Mỹ lưỡng đầu thọ địch

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper mới đây khẳng định, ông vẫn lên kế hoạch dịch chuyển trọng tâm của quân của quân đội Mỹ sang cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, bất chấp những mối đe dọa an ninh đang chồng chất ở khu vực Trung Đông.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan hôm 7/12, một hội nghị hàng năm có sự tham gia của các quan chức chính phủ, công nghiệp quốc phòng và quân sự, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã phác thảo các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của ông. Theo Bloomberg, vị lãnh đạo của Lầu Năm Góc cho biết ông muốn điều chuyển lực lượng Mỹ từ các khu vực khác, trong đó có Afghanistan, để đối đầu với cuộc cạnh tranh quân sự đang gia tăng với Trung Quốc.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_9172127.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Ông nói: "Những gì tôi muốn làm là tái phân bổ lực lượng cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương...Đó là sân khấu ưu tiên của tôi. Tôi không chỉ nhìn vào Afghanistan mà là tất cả những nơi mà tôi có thể rút bớt quân để đưa họ đến đối đầu với Trung Quốc, để trấn an các đồng minh của chúng ta và tiến hành tập trận và huấn luyện”.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ đã xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược hàng đầu. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển trọng tâm sang đối đầu với Nga-Trung thay cho cuộc chiến chống khủng bố trước đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper giải thích thêm: “Những lợi thế quân sự của chúng ta về mặt cạnh tranh chiến lược đang bị thách thức. Trung Quốc và Nga, các cường quốc đang trở lại của thời đại này, đang tích cực hiện đại hoá quân đội của họ, đồng thời muốn đoạt quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh tế và an ninh của các quốc gia khác”.

Tuyên bố trung thành với các ưu tiên quốc phòng đã được người tiền nhiệm Jim Mattis ấn định, Mark Esper cho biết ông ý thức việc chuyển bớt nhân lực, tài lực từ Trung Đông để tập trung nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc là điều khó khăn. Tuy nhiên, ông đã xem xét nhu cầu từng khu vực trên thế giới để có thể bố trí lực lượng một cách “cân đối”.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_9175508.jpg
Mỹ cân đối lực lượng hay phải dàn mỏng lực lượng?

Từ tháng 5/2019, Mỹ đã đưa thêm 14.000 quân sang Trung Đông sau khi Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi miền Bắc Syria. Có thông tin Mỹ sẽ tăng cường thêm 14.000 quân nhưng ông chủ Lầu Năm Góc bác bỏ tin đồn này.

Theo ông Esper, Mỹ, một lần nữa, cần đảm bảo rằng mình có lực lượng đủ mạnh trên mặt đất để trấn an các đồng minh, giúp bảo vệ họ, bảo vệ trật tự quốc tế và ngăn chặn Iran. Ông Esper nói: “Chúng ta có một chiến lược nhưng bạn phải đối phó với thế giới bạn đang sống chứ không phải thế giới bạn muốn trên giấy”.

Một chi tiết đáng chú ý khác là tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Esper thừa nhận Washington đang “chơi trò rượt đuổi” để cố bắt kịp Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Ông nói: “Lầu Năm Góc đang đầu tư từng USD mà chúng ta có thể để đạt được lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh".

Nga tự tin trở lại cuộc chơi

Những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra ít ngày sau khi Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc để dự tham vấn hàng năm về lĩnh vực an ninh quốc phòng. Cuộc đối thoại Nga-Trung về ổn định chiến lược, tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bán đảo Triều Tiên và hợp tác kỹ thuật quân sự diễn ra trong hai ngày 3-4/12 tại thành phố Thượng Hải.

Theo cổng thông tin chính thức của Hội đồng An ninh Nga, tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã thảo luận về hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực an ninh. Các bên nhấn mạnh rằng quan hệ Nga và Trung Quốc từ lâu đã có được tính chất chiến lược toàn diện, trong khi lập trường hai nước thường gần gũi hoặc tương đồng trong phần lớn các vấn đề toàn cầu.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_9178823.jpg
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 2/12

Theo ông Patrushev, lập trường Nga-Trung tương đồng trong nhiều vấn đề từ giải quyết tình hình ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, đến nguyên nhân tình hình khủng hoảng tại Mỹ Latinh. Theo ông, Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc liên quan đến những trừng phạt thương mại của Mỹ.

Ông Patrushev nói: “Chúng tôi chia sẻ ý kiến của đồng chí Chủ tịch cho rằng những hành động của Washington là phản tác dụng và gây tổn hại không chỉ cho lợi ích của nước Mỹ và Trung Quốc, mà còn cho toàn bộ thương mại quốc tế”.

Ông Patrushev đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nga-Trung không chỉ đối với sự phát triển của hai nước, mà còn đối với việc duy trì trật tự thế giới cân bằng và công bằng, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_91710154.jpg
Hợp tác Nga-Trung ngày càng khăng khít

Trước đó, ông Patrushev dẫn đầu phái đoàn Nga gồm các đại diện Hội đồng An ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Cảnh vệ Liên bang và các cơ quan liên quan tham gia Tham vấn về vấn đề an ninh với Trung Quốc. Mở đầu cuộc tham vấn theo thành phần hẹp, các bên trao đổi về tình hình ở Afganistan và các biện pháp chống cách mạng màu.

Theo ông Patrushev, việc phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và đặc vụ hai nước không chỉ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược mà còn góp phần bảo vệ hai quốc gia trước các nguy cơ bên ngoài và việc can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước. Các bên phối hợp chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Tư lệnh Lục quân Nga Oleg Saliukov cho biết, Nga đã đạo tạo hơn 4.000 quân nhân Trung Quốc, đồng thời hai bên thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung song phương và đa phương. Moscow hi vọng Bắc Kinh sẽ cử quân nhân tham dự cuộc tập trận quy mô lớn Kavkaz-2020 ở Nga.

Nga và Trung Quốc cũng thảo luận về vấn đề can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền, cũng như quan hệ Nga-Mỹ, Trung-Mỹ, chia sẻ ý kiến về Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, trong đó công khai tuyên bố rằng Moscow và Bắc Kinh thách thức sức mạnh, tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_91712335.jpg
Nga tự tin trở lại cuộc chơi với Mỹ

Theo ông Patrushev, trong thập niên 1990, người Mỹ cho rằng Nga đã bị loại khỏi cuộc chơi, còn Trung Quốc thì dù có những thành công trong lĩnh vực kinh tế cũng không thể cạnh tranh vị thế siêu cường thế giới của Mỹ. Điều này dẫn đến ảo tưởng về vị thế bá quyền của Mỹ.

Tuy nhiên, đến cuối thập niên 2010, Nga đã có thể khôi phục tiềm năng của mình với tốc độ mong muốn và lấy lại ảnh hưởng đã mất trên trường quốc tế. Theo ông Patrushev, Trung Quốc cũng bắt đầu tự tin cạnh tranh vị thế với Mỹ trong vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu.

Mỹ hoang mang

Bình luận về mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Nga và Trung Quốc, trang CNN của Mỹ bình luận: “Với thực tế mối quan hệ đối tác được củng cố, tiềm lực của thị trường Nga-Trung, chưa tính đến tiềm lực quân sự, là rất lớn bởi tổng diện tích hai nước gộp lại lớn gấp 3 lần diện tích Mỹ, tổng dân số ước tính là 1,58 tỷ người, tương đương 20% dân số thế giới”.

Theo trang báo Mỹ, nếu được định hướng đúng đắn, sức mạnh tổng thể này có thể vô hiệu hóa hầu hết ảnh hưởng từ các đòn trừng phạt hay thuế quan nếu có.

CNN đặt câu hỏi sức mạnh tập trung khổng lồ này có thể đi tới đâu? Câu trả lời được đưa ra ngay sau đó là: Trung Quốc sẽ ở vị thế đảm bảo để mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khi Nga có thể dễ dàng thu hút các nguồn tài chính phương Tây nhờ nguồn dầu mỏ và khí đốt, xương sống của nền kinh tế này.

http://st.galaxypub.vn/staticFile/Subject/2019/12/09/2461714/my-hoang-mang-dieu-binh-chong-ngatrung_91714502.jpg
Binh sĩ và vũ khí Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Phương Đông-2018 của Nga

Cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách xây dựng đối trọng thống nhất trên phương diện chính trị và quân sự đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự này, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai thuyết phục các đồng minh rằng chính Trung Quốc, chứ không phải cựu thù Nga mới là thách thức hàng đầu của khối.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với quá khứ”, trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lưu ý: “Trung Quốc giờ là nước đứng hàng thứ hai thế giới về chi tiêu quân sự, chỉ sau Mỹ”.

Theo CNN, Mỹ cần phải học cách đối diện với thực tế địa chính trị của hai thách thức song song này, và đặc biệt là sức mạnh tổng thể từ hai đối thủ lớn của mình. Trang báo Mỹ viết: “Điều đáng buồn là không phải ai cũng nhận thức được thực tế ấy”.

CNN kết luận: “Rõ ràng, cả Nga và Trung Quốc hiện nay đều không có dấu hiệu từ bỏ những cơn gió thuận đang tạo đà cho mối quan hệ song phương. Và rõ ràng cũng không phải là quá sớm để Mỹ và các đồng minh tìm cách đối phó với thực tế mối quan hệ bằng hữu này”.

Thành Minh