Tiết lộ mới về máy bay bị Su-35 xua đuổi
Theo Avia, nhiều khả năng chiếc tiêm kích bị Su-35 Nga xua đuổi khỏi không phận Syria hôm 7 12 là F-35I của Không quân Israel.
by Ngọc HòaVụ việc xảy ra khi tiêm kích Su-35 của Nga cất cánh chặn máy bay Israel xâm nhập khu vực gần sân bay T4 với mục đích thực hiện cuộc không kích. "Tiêm kích Nga đã chặn chiến đấu cơ Israel trên bầu trời phía nam Syria khi chúng xâm phạm không phận nước này để chuẩn bị tung đòn không kích vào sân bay quân sự T4", báo Nga cho biết.
Sau khi bị tiêm kích Nga áp sát, chiến đấu cơ Israel đã phải đổi hướng và bay về nước. "Đây là sự việc khá nghiêm trọng, nhưng nó đã kết thúc trước khi xảy ra tình huống ngoài ý muốn", tài khoản Syrian MC trên Twitter chuyên theo dõi tình hình quân sự tại các quốc gia Trung Đông cho biết.
Dù nguồn tin không cho biết phía Israel đã dùng tiêm kích nào thực hiện vụ xâm nhập Syria lần này nhưng theo thông tin của trang AMN, Không quân Israel đã dùng ít nhất 2 chiếc tiêm kích tàng hình F-35I cho kế hoạch không kích tại Syria lần này.
Dù diễn biến của tình huống chiếc Su-35 Nga và chiếc tiêm kích được cho là F-35I của Israel đối đầu không được tiết lộ nhưng trong ngày 7/12 đã không xảy ra vụ không kích nào do chiến đấu cơ Israel thực hiện tại Nam Syria. Điều này đủ cho thấy, Su-35 đã hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn của mình.
Mặc dù vậy, thông tin này vẫn chưa nhận được sự xác nhận chính thức từ phía Không quân Israel và Nga. Nếu được Tel Aviv xác nhận thì điều này không quá bất ngờ bởi trước đó, hệ thống radar của Nga tại Syria đã vài lần phát hiện tiêm kích F-35B của Anh xâm nhập Iraq sau khi bay qua Syria hồi tháng 6/2019.
Thông tin này sau đó cũng đã được Bộ Quốc phòng Anh thừa nhận khi tuyên bố rằng, phi đội tiêm kích tàng hình F-35 của nước này đã hoàn thành chuyến thực chiến đầu tiên khi thực hiện hơn 14 nhiệm vụ trinh sát và tấn công vào phiến quân tại Syria và Iraq.
Để thực hiện nhiệm vụ, phi đội tiêm kích tàng hình của Anh đã cất cánh từ căn cứ không quân trên đảo Síp. Việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lần đầu làm nhiệm vụ được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt đã gọi là "giây phút lịch sử thực sự".
Giới chuyên gia cho rằng, chỉ có một lý do duy nhất khiến F-35B Anh lộ diện trên màn hình radar Nga - đó là máy bay đi kèm. Cụ thể, phiên bản tiêm kích tàng hình Hải quân Anh sử dụng là F-35B có bán kính chiến đấu khá khiêm tốn - chỉ trên 800km. Trong khi đó, khoảng cách từ căn cứ không quân Anh trên đảo Sip đến Iraq là gần 1.000km.
Như vậy bản thân phi đội F-35B của Anh không thể tự bay đến Iraq, hoàn thành nhiệm vụ và quay về điểm xuất phát. Và chỉ còn một cách duy nhất đó là Hải quân Anh đã cho máy bay tiếp dầu đi kèm hoặc trên đường bay chúng được tiếp dầu bởi máy bay của lực đồng minh.
Đây chính là khoảnh khắc những chiếc tiêm kích tàng hình tối tân của Anh bị radar phòng không Nga phát hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có lý do thuyết phục nào được đưa ra để giải thích cho tình huống Nga phát hiện F-35I khi cố tiếp cận khu vực sân bay T4 để không kích.