Việt Nam có cần một slogan du lịch mới?

Nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Cấp cao du lịch ngày 9/12 cho rằng slogan "vẻ đẹp bất tận" chưa thể hiện được các thế mạnh và nét độc đáo của du lịch Việt. 

by

Một trong số những câu hỏi được đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Cao cấp Du lịch Việt Nam "Liệu Việt Nam có nên thay slogan và logo mới để đáp ứng sự phát triển của du lịch, tạo sức hút và truyền cảm hứng cho du khách?". Câu hỏi này nhận được nhiều đóng góp từ đại diện các công ty lữ hành, cơ quan truyền thông quốc tế cũng như lãnh đạo Tổng cục du lịch. 

Bà Delilah Chan - Giám đốc Kinh doanh Khu vực Đông Nam Á của hãng thông tấn CNN nhận định, cả từ Charm và từ Timesless đều khá quyến rũ theo quan điểm là một khách du lịch. Theo bà, dựa trên những nét độc đáo của du lịch Việt Nam hiện nay, slogan Vietnam Timeless Charm về cơ bản đã đáp ứng được cả 3 yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu là: ý nghĩa rõ ràng, đơn giản dễ hiểu và có khả năng phát triển thành các chiến dịch quảng bá lâu dài. 

https://vcdn-dulich.vnecdn.net/2019/12/09/78571187-741167053057507-84558-2079-2091-1575894318.jpg
Slogan của Việt Nam hiện tại chưa thể hiện được các ưu điểm đặc biệt của du lịch. Ảnh: Tuấn Cao.

Cũng đến từ một hãng thông tấn quốc tế, ông Max Newnham - Giám đốc chiến lược sáng tạo thương hiệu CNBC lại có nhận định trái ngược. Theo ông, slogan hiện nay chỉ phù hợp với những người đã từng tới Việt Nam, hiểu được vẻ đẹp tiềm ẩn trong văn hóa, con người và phong cảnh, còn với những du khách chưa từng đặt chân đến, "Timeless Charm" chưa đủ sức truyền cảm hứng. Đồng thời, slogan hiện nay cũng chưa thể hiện được sự khác biệt và nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.

Ông cũng cho biết, việc sử dụng một slogan trong 8 năm không phải là lâu vì nhiều nước khác đã sử dụng một câu slogan cho khoảng vài thập kỷ. Có thể kể đến gần nhất là Malaysiao với "Truly Asia". Với một slogan mang hàm nghĩa rộng như của Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng có thể xây dựng các nội dung phụ để nêu bật các ý tưởng khác nhau trong nội dung tổng thể.

Nhiều chuyên gia tại sự kiện cũng thống nhất nhận định, để có một slogan phù hợp, Việt Nam cần đi sâu phân tích xem du lịch Việt được đại diện bởi những yếu tố nào: ẩm thực, văn hóa, di sản hay năng động, hiện đại. Đồng thời Slogan cũng phải được xây dựng để hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể. Slogan thu hút khách tầm trung và slogan thu hút khách du lịch cao cấp sẽ không giống nhau. 

Chính từ nhận định đó, ông Douglas Hainsworth – trưởng nhóm quốc tế chương trình du lịch Thụy Sĩ tại  Việt Nam nhận định, xây dựng slogan cho thương hiệu du lịch quốc gia là việc phải thực hiện trong nhiều năm, phải bắt đầu từ phân tích thị trường, đối tượng khách hàng mục tiêu và phải có sự đầu tư nhất quán. Malaysia đã phải mất đến 5 năm để tìm ra slogan phù hợp vì họ muốn đảm bảo tính nhất quán và thương hiệu Truly Asian đã gắn liền với nền du lịch quốc gia này suốt 3 thập kỷ.

Theo ông Max Newnham, trong vòng 2 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã sử dụng 5 slogan khác nhau, từ Điểm đến của thiên niên kỷ, Hãy đến với với Việt Nam, Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn, và Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận. Điều này khiến khách du lịch cảm thấy bối rối. Vì vậy, theo đại diện CNBC, slogan du lịch phải được lựa chọn cẩn thận để sử dụng bền vững và lâu dài.

Theo các chuyên gia, slogan mới phải thể hiện được yếu tố tinh thần và nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam, khơi gợi cảm hứng du lịch và khám phá. Ông John Williams - Đại diện BBC nhận định, slogan du lịch không nhất thiết phải đưa tên quốc gia vào như một cách nhấn mạnh. Đó có thể là một cụm từ bao hàm, dễ hiểu, mang ý nghĩa biểu trưng để mỗi người dân có đều có thể hiểu và truyền tải. Họ sẽ là một đại sứ để giới thiệu về đất nước, nền du lịch cho quốc gia mình.

An Phạm