Những bức ảnh ‘Khi người ta đang còn trẻ’ kể gì về người trẻ?
by Vũ Thơ1.000 bức ảnh và những câu chuyện về thanh niên được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á thể hiện trong cuốn sách ảnh Khi người ta đang còn trẻ. Tâm sự về cuốn sách, ông thốt lên: "Tôi đã thay đổi suy nghĩ về người trẻ".
Cuốn sách ảnh Khi người ta đang còn trẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sẽ được ra mắt chào mừng Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với tác giả về những câu chuyện của người trẻ được thể hiện trong cuốn sách này.
"Thanh niên giờ không hề hời hợt như một số người nghĩ"
Xin ông cho biết cuốn sách ảnh này kể gì về người trẻ?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: Đây là cuốn sách thứ 10 của tôi, và tôi đã đi được 63 tỉnh, thành để tìm hiểu về thanh niên và chụp hàng ngàn bức ảnh về các hoạt động của họ. 1.000 bức ảnh đã đăng trong cuốn sách Khi người ta đang còn trẻ.
Trong 1.000 bức ảnh này, mỗi bức có một câu chuyện khác nhau. Tôi chọn nhiều chủ đề về tình nguyện, về sống đẹp, về nghị lực, về khởi nghiệp… Có những câu chuyện xúc động rơi nước mắt, tình cảm lắm.
Có nhiều người không hiểu cứ lăn tăn, nói này, nói nọ về thanh niên tình nguyện, rằng các bạn trẻ chỉ “làm màu”, nhưng không phải như vậy. Các bạn thanh niên làm rất tốt, không như người ta nói đâu. Mình đi nhiều, chứng kiến nhiều, mình mới thấy có nhiều trường hợp đáng khâm phục lắm.
Câu chuyện nào khiến ông nhớ nhất, xúc động nhất?
Đó là câu chuyện về bạn Vàng Lao Lừ (Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La). Bạn ấy đã làm bằng cái tâm của mình, nên được nhân dân yêu quý lắm. Cái đó mới quan trọng và không phải ai cũng có. Tôi thấy ấn tượng từ việc bạn ấy giúp dân lao động sản xuất như thế nào, dạy chữ như thế nào, chưa kể việc thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ biên phòng…
Bạn ấy đã làm được nhiều việc trong một lúc, khiến tôi tự hỏi tại sao họ cũng là một người đàn ông mà họ làm được nhiều việc thế. Tôi cảm thấy mình yêu đời hơn.
Phương châm sống của tôi là tôi nhìn người trẻ để tôi đi. Các bác lớn tuổi truyền cho tôi kinh nghiệm và động lực, nhưng những người trẻ thì lúc nào cũng kích tôi phải phấn đấu để bằng họ. Đừng nói các bạn trẻ hời hợt nhé. Cũng có đấy, nhưng mà bây giờ các bạn trẻ giỏi lắm, ai cũng giỏi, người ta phấn đấu theo kiểu của mình. Nên lúc nào tôi cũng đau đáu mình phải làm thật tốt cuốn sách này để chứng minh cho xã hội thấy là thanh niên giờ không hề hời hợt như một số người nghĩ.
Vậy ông đã chứng minh điều đó như thế nào?
Tôi chọn vấn đề khởi nghiệp để đưa vào sách ảnh. Nhiều gương khởi nghiệp do tôi tự tìm đến để khai thác. Nếu chỉ đi chụp những hoạt động như: vệ sinh môi trường, làm sạch biển, hay giúp dân thì cũng chỉ mang tính bề nổi thôi và dễ chụp lắm. Những cái đó có thể còn bị nói là “diễn”, nên tôi đã đi tìm hiểu để làm thế nào có chiều sâu, để người ta thấy được cái tận cùng của những người thanh niên Việt Nam đang ở đâu. Và tôi đã hài lòng thực sự.
Đặc biệt, khi chụp về các chiến sĩ ở Trường Sa đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Tôi thấy xúc động lắm về sự hy sinh của người chiến sĩ và sự cống hiến của họ khi phải đối mặt với những nguy hiểm để bảo vệ Tổ quốc! Tôi yêu những nhà dàn trên biển và tôi sẽ đi tiếp để lại ra sách ảnh về nhà dàn.
Người trẻ có thể làm thay đổi nhiều thứ
Ông tâm đắc nhất với bức ảnh nào?
Bìa sách là bức ảnh tôi chụp ở Đắk Lắk. Bữa đó khi đọc báo biết ở Đắk Lắk, Gia Lai bị bão lụt, tôi phi xe xuống liền. Khi đến Đắk Lắk, thấy vẫn còn là thời gian thanh niên ra giúp dân cứu lúa trong lúc nước lên, tôi mừng lắm. Các lực lượng từ bộ đội, thanh niên, người dân đang nỗ lực gặt lúa. Họ hòa quyện vào nhau. Tôi thấy rất xúc động và cảm thấy cần hòa vô với họ, ghi lại những hình ảnh đó để mọi người thấy đây chính là niềm tin của đất nước. Và tôi đã chọn bức ảnh đó làm ảnh bìa với cái tựa "Khi người ta đang còn trẻ".
Cái tựa đó tôi thích nhất chữ “đang”, vì nó sẽ tiếp tục và còn nữa, bởi người trẻ bây giờ rất giỏi, năng động, có thể làm thay đổi nhiều thứ mà người già không tưởng tượng được đâu.
Có kỷ niệm nào để lại trong ông khi thực hiện cuốn sách?
Câu chuyện về những người trẻ trong quyển sách này, những người tôi may mắn được gặp đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thành công hiện tại của họ không phải là họ chưa bao giờ thất bại, cách họ vươn lên, quyết tâm hơn sau những lần gục ngã đó mới là điều đáng trân quý hơn cả. Hành trình trải nghiệm này thật sự gian nan và không ít vất vả, lịch di chuyển liên tục, dày đặc và thời gian hoàn thành quyển sách là áp lực không nhỏ dành cho tôi.
Nhớ lần chạy xe hai bánh trên cung đường quanh co hiểm trở từ Lào Cai qua Hà Giang trong đêm tối mưa mù dày đặc, tôi đã bị té. Đến nơi vội tác nghiệp xong mới có thời gian hoàn hồn vì mình đã an toàn; có khi sáng nay tác nghiệp ở Lai Châu, sớm hôm sau đã chụp bến Nhà Rồng…
Được đến những nơi xa xôi của Tổ quốc, tôi thấu hiểu hơn về việc các bạn trẻ ở đó đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, phải dám nghĩ, dám làm và thực sự nhiệt huyết mới tạo nên những câu chuyện mang nhiều màu sắc tuyệt vời như vậy. Có đi, có dấn thân, không ngại những việc khó thì mình mới biết mình là ai và đang ở đâu.
Có chút tiếc nuối vì sách đã dày 600 trang, còn rất rất nhiều các bạn trẻ tài giỏi, nhiệt huyết khác chưa có mặt trong quyển sách này, mong thật sớm sẽ có “Khi ta đang còn trẻ” lần 2, lần 3… ra đời.
"Nếu mình khó với những người trẻ thì đất nước sẽ bị thiệt thòi"
Sau khi đồng hành cùng thanh niên để ra cuốn sách này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì?
Trong xã hội, có không ít người thất vọng về người trẻ, nhưng đó là họ chưa nhìn thấy còn biết bao nhiêu người trẻ giỏi. Họ giỏi và văn minh để có thể thay đổi người khác. Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu của Việt Nam, nhất là các bạn trẻ ở nước ngoài mà tôi chưa có dịp khám phá.
Nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng đi ra nước ngoài làm sách về tinh hoa những người trẻ của khắp đất nước Việt Nam.
Cái được lớn nhất sau khi ra cuốn sách này là tôi đã thay đổi suy nghĩ về người trẻ và muốn mọi người cũng như vậy. Tôi đã nhìn thấy chiều sâu của người trẻ, nhiều cái rất tốt, không như mình nghĩ. Chúng ta, những người lớn, nên dành cho người trẻ những đặc ân hơn mấy năm trước đi. Đừng nhìn thấy hiện tượng hời hợt thì đánh giá thấp, đừng bao giờ nghĩ như thế. Đó là kinh nghiệm 30 năm cầm máy, 30 năm lăn xả ra xã hội thực hiện bao nhiêu cuốn sách. Tôi cảm thấy trân trọng họ thực sự.
Tôi ở độ tuổi trung niên, bố mẹ tôi từng là người lính nên tôi biết người già và người trẻ nghĩ gì. Người trẻ rất giỏi nhưng mình phải hướng người trẻ nhớ đến công lao của các thế hệ đi trước.
Với người già, khi đánh giá thế hệ trẻ phải đánh giá cân đối, phải có cái nhìn “mềm” ra, chứ đừng áp đặt những kinh nghiệm của thời chiến tranh vào các bạn trẻ bây giờ. Tương lai Việt Nam đang ở đây, nếu mình khó với những người trẻ thì đất nước sẽ bị thiệt thòi.
Xin cảm ơn ông!
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (51 tuổi), từng đoạt rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, như: Tình đồng đội - Huy chương vàng Áo 2009, Thích thú - giải danh dự của Macau 2008, Đường nét và ánh sáng - Huy chương vàng FIAP Hồng Kông 2006, Chân dung - Huy chương vàng Canada 2007... Ông đã thực hiện 10 cuộc triển lãm và sách ảnh: Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh (2007), Họ đã sống như thế (2009), Tâm và tài - Họ là ai? (2013)... Bộ sách ảnh Khi người ta đang còn trẻ là cuốn sách thứ 10 trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Bộ sách ảnh này ông thực hiện từ đầu năm 2019, khi được Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đề nghị rằng “muốn làm một điều gì đó cho thanh niên” sau 20 năm triển khai phong trào thanh niên tình nguyện. Và ông đã bắt tay thực hiện để kịp ra mắt tại Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII. Đây cũng là bộ sách ảnh “kỷ lục” về các hoạt động của thanh niên, gồm 600 trang, 1.000 bức ảnh và nặng 3,5 kg. |