Dấu chân trên cát - Một câu chuyện sâu sắc về tình yêu và nhân sinh quan
"Dấu chân trên cát" là tiểu thuyết dã sử hấp dẫn, đặt trên nền bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại, huyền bí được GS. John Vũ (Nguyên Phong) phóng tác. Đây là cuốn tiểu thuyết không thể bỏ qua với những người đam mê tìm hiểu văn hóa, tâm linh và ý nghĩa cuộc đời.
by Sâu Búc"Dấu chân trên cát" được viết dưới ngôi thứ nhất, là góc nhìn và lời tự thuật của nhân vật chính Sinuhe – một y sĩ có biệt danh là Y sĩ cô độc sống ở Ai Cập vào thế kỷ thứ XIV trước Công Nguyên.
Tương truyền, Sinuhe là một người Ai Cập nhưng đã đến Hy Lạp mở trường dạy học. Sinuhe có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở thành một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là "thời buổi hoàng kim của các triết gia". Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus…
Vậy Sinuhe là ai và làm thế nào mà một giáo sĩ ngoại quốc có thể đến Hy Lạp có thể mở trường dạy học và để lại những kho tàng tri thức quý báu đến vậy?
Theo lời kể, Sihune là con của một cặp vợ chồng y sĩ Sen Moot. Từ nhỏ, ông đã được tiếp cận y thuật nhờ quan sát người cha – người y sỹ tài năng, đức độ. Cha của Sinuhe rất giỏi trị bệnh, mổ xẻ, trong đó có cả kỹ thuật mổ sọ. Sinuhe được cha mẹ dạy rằng: "Những tài sản tình cảm, những tài sản tinh thần, những tài sản tâm linh, mới là những tài sản vô giá, mới là những tài sản bền lâu, thanh cao".
16 tuổi, Sinuhe được gửi vào trường y khoa Abydos – một trong những trường y khoa nổi tiếng nhất Ai Cập thời bấy giờ. Tại đây, Sinuhe được học môn Khoa học của Sự sống – môn khoa học về việc chữa trị bệnh tật và sống thuận hòa với tự nhiên. Sinuhe được đạo trưởng Akhanuxem tiết lộ, có những căn bệnh quái ác vượt ngoài tầm nghiên cứu của Khoa học của sự sống và nguyên nhân gây bệnh thuộc về cõi giới bên kia cửa tử, xuất phát một kiếp sống khác. Đó cũng là đối tượng nghiên cứu của Khoa học của Sự chết.
Liên tục trong hành trình của mình, Sinuhe trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Cuối cùng ông chọn con đường bị lưu đày khỏi Ai Cập để hướng tới theo đuổi những giá trị lớn hơn. Nhưng dù đã "phát dương quang đại" những tư tưởng minh triết như thế nào, cuộc đời huyền thoại của Sinuhe cuối cùng giống như "dấu chân trên cát", huy hoàng rực rỡ rồi quay trở về ẩn chứa, tiềm tàng trong lớp cát bụi của thời gian.
"Dấu chân trên cát" cũng là một câu chuyện sâu sắc về tình yêu và bản ngã con người. Tình yêu đã tạo nên khúc quanh lịch sử của các triều đại, tình yêu đưa con người lên đỉnh vinh quang, đồng thời cũng vùi dập biết bao kẻ "thân bại danh liệt". Và câu chuyện của y sĩ Sinuhe cũng có thể xem là một câu chuyện ngang trái về tình yêu. "Đừng bao giờ coi thường một người đàn bà, bất cứ là người đàn bà nào trên đời." – Sinuhe đúc kết.
Sinuhe là một y sĩ thanh cao, một y sĩ chân chính của người nghèo. Sinuhe từng tự hào vì của cải, danh vọng không thể mua chuộc được mình, nhưng nào đâu có ngờ, anh lại đánh mất tất cả - sự tự tôn, tính lương thiện và cả gia sản bởi mối tình đầu của mình - cô kỹ nữ xinh đẹp Nefer. Sinuhe cũng mất tới 10 năm lưu lạc tại Palestine, chìm ngập trong lòng oán hận, để rồi mãi về sau anh mới nhận ra không có tình yêu nào trường tồn, vĩnh viễn, nhất là thứ tình yêu đau khổ vì sự phụ bạc của người mình yêu.
"Dấu chân trên cát" cho chúng ta một bài học rằng trên đời này không có cái gì là tuyệt đối. Chúng ta có thể không sa ngã nhiều thứ, nhưng vẫn có thể sa ngã vì một điều gì đó, đặc biệt là tình yêu - tất cả đều rất gần với con người trong đời sống thật. Bản ngã con người là vậy, thường không vững bền khắc sẽ vị lung lay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, không có giá trị thực tế...
"Dấu chân trên cát" là tác phẩm hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh và quan niệm sâu sắc về thế giới tâm linh. Giống như những tác phẩm khác của GS. John Vũ như Hành trình về phương Đông, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và các đạo sĩ Tây tạng, Bên rặng tuyết sơn… câu chuyện của Sinuhe cũng là ẩn dụ về sự trưởng thành trong hành trình tâm linh – khi con người đi theo sứ mệnh, trải qua nhiều thử thách nhận ra sự kết nối giữa mình và vũ trụ.
Có rất nhiều triết lý sâu sắc được đưa ra, như:
"Phương pháp trị bệnh là một nghệ thuật thiêng liêng; vì là một nghệ thuật có thiêng liêng nên việc chữa trị bệnh, phải bao gồm cả phần thể xác lẫn phần linh hồn. Không có bất cứ một con người nào có thể gọi là khỏe mạnh, nếu như tâm hồn của họ què quặt, linh hồn của họ ốm đau."
"Để giải quyết bất đồng, những dị biệt, những tranh chấp, những hận thù, chiến tranh, người ta cần phải thay đổi chính mình, chứ không thể đòi hỏi kẻ khác thay đổi được".
"Sự thay đổi chính mình là một sức mạnh vô cùng lớn lao, một quyền năng phi thường, rất ít người có thể có, không phải ai cũng có thể có được, không phải ai cũng có thể làm được; chỉ có những con người minh triết, giác ngộ mới làm được."
"Thiếu tình thương thì sẽ thiếu hiểu biết, và một khi không hiểu biết thì con người không thể cảm thông nhau, hậu quả là con người chỉ thấy những khác biệt, sai trái của nhau; những quan điểm bất đồng sẽ nảy sinh thù hận, và thù hận thì nảy sinh chiến tranh - những điều tất yếu."
Đặt toàn bộ câu truyện dưới bối cảnh Ai Cập thời cổ đại, "Dấu chân trên cát" cũng cho người đọc phần nào tiếp cận được nền văn minh Ai Cập - một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người. Đó là nền văn minh độc đáo của những vị Pharaoh, quan thiên giám, giáo sĩ thờ thần Amun, những tín ngưỡng, quan niệm sau cái chết và kỹ thuật ướp xác bí ẩn…
Trong cuốn sách này, tất cả các tri thức về nền văn minh, lối sống, tín ngưỡng, các mối quan hệ của người Ai Cập cổ đại được hiển hiện một cách sống động, chân thật.
"Kẻ nào đã từng uống nước sông Nile thì không thể uống nước ở đâu được nữa". – Thành ngữ Ai Cập.
"Dấu chân trên cát" vừa là một tiểu thuyết hấp dẫn, vừa là một cuốn sách sâu sắc về giá trị tinh thần. Đây chắc chắn là tác phẩm không thể bỏ qua với các bạn đọc có niềm đam mê kỳ thú với thế giới tâm linh, văn hóa Ai Cập và cả những bạn đọc chỉ đơn giản là muốn tìm một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện lôi cuốn.
Giáo sư Jonh Vũ tên thật là Vũ Văn Du, ông còn được nhiều người biết đến là dịch giả Nguyên Phong. Ông rời Việt Nam du học ở Hoa Kỳ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle.Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Đường mây qua xứ tuyết,…
Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ phần mềm. Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể:
Theo Trí Thức Trẻ