Những tình nguyện viên "Tây" phải lòng Việt Nam
Rebekah Thielemans, Brett Simonds và Michael Stephens đến Việt Nam làm tình nguyện nhờ những cơ duyên khác nhau nhưng đều "phải lòng" đất nước và con nơi đây.
>>"Ông Tây lội mương thối" và hành trình 3 năm nhặt hàng nghìn tấn rác ở Hà Nội
Phóng viên Dân Trí đã có một cuộc trao đổi với những người nước ngoài đang tình nguyện góp một phần công sức để giúp Việt Nam ngày càng tốt đẹp và phát triển hơn, nhân ngày Tình nguyện viên Quốc tế (5/12).
“Tôi thực sự yêu Việt Nam”
“Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2017 để du lịch. Và tôi thật sự yêu Việt Nam và tôi nghĩ rằng nếu có cơ hội được quay trở lại để được học hỏi thêm, sống ở đây và khám phá đất nước này, tôi chắc chắn sẽ nắm bắt thời cơ. Thật may mắn vì cuối cùng tôi đã trở lại Việt Nam. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi có lẽ là những chuyến công tác lên vùng núi phía bắc. Tôi đã được ngắm những phong cảnh tuyệt đẹp và ngoạn mục mà không phải người nước ngoài nào cũng được đặt chân đến”, Michael Stephens, Cán bộ hỗ trợ về Nước sạch và Vệ sinh môi trường của tổ chức ChildFund Việt Nam hoạt động vì mục tiêu giảm nghèo cho trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, chia sẻ.
Stephens đã đến công tác và ở Việt Nam gần 12 tháng. Anh làm việc cho các dự án của ChildFund hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân nhằm cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường ở vùng sâu vùng xa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Dù phải sống xa gia đình ở Australia một thời gian dài, nhưng Stephens thừa nhận rằng anh cảm thấy vô cùng may mắn khi được làm tình nguyện trong môi trường cởi mở và thân thiện tại Việt Nam. Anh nói con người Việt Nam có tư tưởng lạc quan tiến về phía trước và đầy ắp tinh thần sáng tạo.
Trong gần một năm làm tình nguyện ở Việt Nam, Stephens đã đi tới các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, thực hiện các dự án về nước sinh, môi trường sống sạch với vai trò là chuyên gia cố vấn, đóng góp ý tưởng và thực thi các nhiệm vụ. Stephens cho rằng anh đã rất may mắn và tự hào vì những kỹ năng và kinh nghiệm của anh đã giúp ích cho Việt Nam, quốc gia mà anh rất yêu mến.
Thừa nhận rằng ấn tượng đầu tiên về Hà Nội là một thành phố giao thông đông đúc mang lại cảm giác choáng ngợp và “sốc” văn hóa, tuy nhiên, Stephens dần dần đã quen với nhịp sống ở quốc gia Đông Nam Á. Anh đã đăng ký thêm một nhiệm vụ tình nguyện nữa ở Việt Nam vào năm sau để tiếp tục những dự định còn đang dang dở, cũng như vì tình yêu với Việt Nam.
Sẽ đón gia đình qua Việt Nam ăn Tết
Giống với Stephens, Brett Simonds, một người có 30 năm kinh nghiệm trong ngành nhà hàng khách sạn Australia, tới Việt Nam làm tình nguyện vì anh không thể quên được những trải nghiệm cách đây 6 năm tại quốc gia Đông Nam Á.
Simonds bắt đầu nhiệm kỳ tình nguyện 12 tháng ở Trung tâm dạy nghề KOTO từ tháng 3/2019 trên cương vị Đào tạo giáo viên dạy nghề phục vụ.
KOTO cung cấp chương trình dạy nghề dài 2 năm cho các thanh thiếu niên kém may mắn và đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro trong cuộc sống, với lứa tuổi từ 16-22. Chương trình đào tạo nhằm giúp đỡ những thanh thiếu niên này có kỹ năng, kinh nghiệm trong ngành dịch vụ như là một hành trang để họ có thể làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê sau này.
Xuất phát từ tình yêu Việt Nam và mong muốn được đóng góp kinh nghiệm phong phú của bản thân trong ngành nhà hàng khách sạn với những học viên mà anh mô tả là "rất tôn trọng, cần mẫn và khát khao học hỏi", Simonds đã nỗ lực hết mình trong việc đào tạo và uốn nắn cho các học viên.
Tình yêu với con người, ẩm thực và phong cảnh Việt Nam là điều đã giữ chân anh lại quốc gia Đông Nam Á. Simonds chia sẻ rằng Tết năm nay anh sẽ đón gia đình qua Việt Nam để cùng khám phá Hà Nội và Hội An.
“Tôi muốn góp sức bảo vệ môi trường Việt Nam”
Rebekah Thielemans, Cố vấn truyền thông về môi trường của tổ chức phi chính phủ GreenHub tập trung vào vấn đề phát triển bền vững, lại chọn Việt Nam làm điểm đến tình nguyện vì cô gái trẻ này là một người thực sự quan tâm đến môi trường và tương lai phát triển bền vững.
Thielemans từng có nhiều hoạt động tình nguyện ở quê nhà Australia, nhưng đây là lần đầu tiên cô thực hiện một chuyến tình nguyện kéo dài nhiều tháng tại Việt Nam. Cô cho rằng Việt Nam có rất nhiều điểm đến, phong cảnh, di sản tuyệt vời và điều này thôi thúc cô quyết tâm góp sức cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại quốc gia Đông Nam Á.
Thielemans chia sẻ về những dự án cô đã và đang thực hiện ở Việt Nam liên quan tới cải thiện rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long, tình hình đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với mối đe dọa nước biển dâng cao vì biến đổi khí hậu. Cô muốn đóng góp cho những thay đổi có ý nghĩa, trực tiếp, bền vững tới Việt Nam trong quá trình phát triển nhanh chóng hiện tại.
Tại tổ chức mà cô đang hoạt động, Thielemans đã tham gia vào các hoạt động giao lưu, chia sẻ với học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Cô cùng với các tình nguyện viên khác tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác thải, lên những chương trình và kế hoạch cụ thể, có hiệu quả để bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, sử dụng năng lượng tối ưu và bảo tồn thiên nhiên.
“Tôi đã ở Việt Nam được 6 tháng và tôi yêu khoảng thời gian này. Con người Việt Nam rất ấm áp, chào đón và hào phóng và tôi đã có rất nhiều bạn mới. Phong cảnh Việt Nam rất đẹp và đồ ăn ngon tuyệt”, Thielemans chia sẻ, đồng thời cho biết cô chắc chắn sẽ trở lại Việt Nam thêm sau khi kết thúc chương trình tình nguyện.
Đức Hoàng