'Cuộc đua' ai lắp đặt nhiều camera giám sát hơn: Trung Quốc và Mỹ 'kẻ tám lạng, người nửa cân'

by

(Tổ Quốc) - Trung Quốc có thể là đất nước có nhiều camera giám sát (CCTV) nhất thế giới nhưng khi nói tới tỷ lệ camera CCTV trên đầu người, Mỹ mới là quốc gia số 1.

Theo một báo cáo mới công bố của trang Precisesecurity.com, Mỹ có 15,28 camera giám sát/100 người dân – cao hơn một chút so với tỷ lệ 14,36 của Trung Quốc; tiếp sau đó là Anh, Đức và Hà Lan. Tổng số camera CCTV được lắp đặt tại Trung Quốc là khoảng 200 triệu cái, so sánh với 50 triệu ở Mỹ.

Có tới 8 thành phố Trung Quốc nằm trong top 10 thành phố có tỷ lệ camera CCTV trên đầu người cao nhất thế giới. Hai thành phố còn lại là London (Anh) ở vị trí thứ 6 và Atlanta (Mỹ) ở vị trí thứ 10. Thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc đứng thứ 1.

https://toquoc.mediacdn.vn/2019/12/9/7878669a-180a-11ea-9462-4dd25a5b0420imagehires103037-1575864160313416274985.JPG
Một người phụ nữ Trung Quốc đi bộ dưới dàn camera giám sát (ảnh: SCMP)

Năm 2017, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, hệ thống giám sát quốc gia của nước này có tên gọi là Dự án Skynet. Nó bao gồm hơn 20 triệu camera dùng để "giám sát và ghi hình trực tiếp", và hàng triệu camera khác sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2020.

Các chính quyền địa phương cũng triển khai hệ thống camera giám sát của riêng mình tại một số khu vực. Công ty nghiên cứu HIS Markit ước tính, toàn bộ mạng lưới camera của Trung Quốc vào năm 2017 là hơn 170 triệu chiếc và con số sẽ lên tới 600 triệu chiếc vào năm sau.

Tại Mỹ, tăng cường giám sát bằng camera cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các vụ án hình sự. Năm 2013, thủ phạm vụ đánh bom cuộc thi marathon tại Boston đã nhanh chóng bị phát hiện sau khi các nhà điều tra phân tích hình ảnh CCTV.

Tuy nhiên, trong khi các nước đang tăng cường hệ thống giám sát vì các lý do an ninh, họ cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều người dân liên quan tới vấn đề quyền cá nhân bị xâm phạm.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho rằng, mặc dù Hiến pháp Mỹ có bảo hộ cho việc cảnh sát tìm kiếm thông tin từ video giám sát, nhưng lại "không có các quy định pháp lý nói chung để giới hạn sự xâm phạm riêng tư cũng như bảo vệ sự riêng tư trước khả năng lạm dụng hệ thống CCTV".

Còn các nhà làm luật Trung Quốc đang soạn thảo một bộ luật mới nhằm bảo hộ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của nó và lo ngại quyền lực nhà nước có thể bị lợi dụng khi thu thập và sử dụng các dữ liệu cá nhân, nhất là trong bối cảnh camera giám sát được lắp đặt với quy mô lớn như vậy tại Trung Quốc.