https://cafebiz.cafebizcdn.vn/thumb_w/600/2019/photo1575885941961-1575885942116-crop-15758859530031438995386.jpg

Phó Cục trưởng cục Hàng không: Nhà nước cho 30 tỷ/năm, nhưng cục không có công chức để thực hiện giám sát bay!

Vấn đề thiếu hụt nhân sự khi ngành hàng không bùng nổ không chỉ diễn ra với các hãng bay. Ngay cả các cơ quan nhà nước liên quan cũng gặp vấn đề.

by

Nhân lực hàng không là một trong những vấn đề nóng được đặt ra tại phiên thảo luận chuyên đề: "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không – chắp cánh cho du lịch", trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về du lịch sáng 9/12.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không chỉ rõ cơ quan này đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến giám sát viên an toàn bay.

Theo ông, khi một hãng hàng không tăng thêm 10 tàu bay thì quản lý nhà nước ít nhất phải tăng thêm 2 người mới đáp ứng được yêu cầu giám sát.

Trong khi đó, vì cơ chế thì "2 người nghỉ hưu mới được tăng 1 người" – ông nói. Điều này đặt trong bối cảnh hàng không Việt tăng trưởng nóng, số lượng tàu bay tăng cao, sẽ trở thành một nút thắt lớn, vì cơ chế chính sách.

Giám sát viên về bản chất không phải là công chức, ông Cường nói. Dù vậy, ngạch nhân sự này lại bị ảnh hưởng bởi việc tinh giản biên chế. Ông cũng cho biết mỗi năm nhà nước dành 30 tỷ đòng ngân sách cho công tác giám sát bay, dù vậy, Cục hàng không không có công chức thực hiện, nên phải thuê phi công các hãng đảm nhiệm.

Tuy nhiên, trong 2 năm thuê lại phi công của Vietnam Airlines, Vietjet hay thậm chí là Hải Âu của Thiên Minh, Cục cũng không trả được đồng phí nào vì bị vướng mắc về chính sách.

"Chúng tôi buộc phải xin tiền để đào tạo anh em công chức làm phi công, sau đó chuyển sang làm thanh tra bay", ông nói.

Ông Cường bày tỏ cần có sự thay đổi về chính sách để các hãng đưa phi công đến làm việc cho Cục dưới danh nghĩa là người của Cục làm nhiệm vụ giám sát an toàn bay.

Lãnh đạo Cục Hàng không lưu ý: Nếu không tăng thêm từ 8 – 9 giám sát viên trong vài tháng tới, các hãng hàng không sẽ không thể nhận thêm tàu bay do công tác giám sát chỉ dừng ở mức hiện tại.

"Giảm biên chế thì đúng rồi, nhưng những khâu cần tăng thì phải tăng", ông Cường nói và nhấn mạnh cần có biện pháp thu hút trong thời gian tới.

Ông Lê Hồng Hà, Phó TGĐ Vietnam Airlines cũng kể khổ vì thiếu phi công, kỹ sư máy bay, vốn là những ngành nghề rất đặc thù.

"Để có được một phi công lái máy bay thân hẹp như Boeing 737 hay Airbues A320 thì phải mất 4 – 5 năm. Để lái được Boeing 787 hoặc Airbus 350 thì phải mất 7-8 năm. Kỹ sư máy bay cũng thế, để đảm bảo tay nghề, cũng mất từ  3 – 4 năm", ông Hà nói.

Theo ông, trong thời điểm hàng không tăng trưởng rất nhanh thì việc tìm kiếm nhân sự rất khó. Về dài hạn, việc đào tạo ở các viện hàng không sẽ có thể giải toả cơn khát nhân lực, nhưng cũng phải đợi từ 3 – 5 năm tiếp theo.

"Nếu để thiếu hụt chắc chắn là yếu tố dẫn đến uy hiếp an toàn bay. Phải đi thuê ngoài, tuy nhiên, bài toàn là cân đối khả năng đáp ứng chi phí", ông nói.

Theo ông, tại Việt Nam hiện chỉ có Vietnam Airlines mới đào tạo phi công lái Boeing 787. Do vậy, khi gặp vấn đề khan hiếm nhân sự, hãng phải tìm kiếm nguồn lực ở nước ngoài. Tuy nhiên, bối cảnh chung thế giới cũng đang thiếu hụt phi công lái Boeing 787 nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục huấn luyện phi công tại Trung tâm đào tạo rồi gửi ra nước ngoài đào tạo thêm. Đồng thời hãng cũng nâng cấp phi công cao để lái dòng Airbus 350 và Boeing 787", ông nói.

Theo ông, từ quý I/2020, Vietnam Airlines kỳ vọng về cơ bản sẽ có đủ phi công có thể lái được tất cả các dòng máy bay của hãng.

Trí thức trẻ