Giao dịch nhà đất bằng niềm tin có ngày mất trắng

Chỉ vì tin tưởng vào những lời nói suông, những mối quan hệ thân quen… mà không ít người khi tiến hành giao dịch mua bán nhà đất đã gặp phải những hệ lụy và rắc rối không nhỏ.
>>TP HCM: Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất thông qua lập vi bằng
>>Mua bán nhà đất vi bằng như “ném tiền qua cửa sổ”

Năm 2014, anh Bình (Việt Trì, Phú Thọ) mua một mảnh đất 107m2 của gia đình ông Long - bác họ của anh Bình tại phường Gia Cầm, TP. Việt Trì với giá 1,15 tỷ đồng. Vì tin tưởng người thân trong gia đình nên hai bên chỉ làm giấy tờ mua bán viết tay. 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/640/2019/12/09/muabannhadat-1575847442003.jpg
Không ít người đã phải nhận “trái đắng” vì chủ quan, tin tưởng vào các mối quan hệ thân quen khi giao dịch nhà đất

Do thường xuyên làm ăn xa nhà nên anh Bình vẫn để gia đình ông Long trồng hoa màu và chăn nuôi trên mảnh đất đó. Tháng 8/2019, do làm ăn thua lỗ nên anh Bình có ý định bán lại mảnh đất này cho một người bạn nhưng đã bị ông Long cản trở, không đồng ý giao đất.

Nguyên nhân là bởi so với khi bán, hiện mảnh đất đã tăng giá gần gấp đôi nên ông Long yêu cầu anh Bình phải đưa thêm 300 triệu đồng thì mới giao đất. Mặc dù rất muốn kiện người bác họ ra tòa nhưng vì không có đầy đủ chứng cứ pháp lý, anh Bình đành chấp nhận đưa thêm cho ông Long số tiền trên để lấy lại mảnh đất.

Cũng vì tin ở cái sự “thân quen”, bà Tuyết (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đang phải ngậm trái đắng mà không biết kêu ai. Theo lời kể của bà Tuyết, qua giới thiệu của người bạn, bà biết ngôi nhà cấp bốn tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang rao bán giá 700 triệu đồng với lý do vỡ nợ cần bán gấp.

Khi đến xem nhà bà Tuyết thấy khá ưng vì ngôi nhà cấp bốn xây đã lâu nhưng rộng rãi, kiên cố. Có điều là căn nhà chưa có sổ đỏ, chỉ có một xấp giấy tờ viết tay thể hiện ngôi nhà đã được giao dịch nhiều lần. Do tin tưởng vì là chỗ quen biết lâu năm của người bạn, lại thấy giá quá hời nên bà Tuyết nhờ bạn xúc tiến luôn việc mua bán. 

Sau khi trả đủ tiền cho người bán, chưa kịp cho thuê lại thì bà Tuyết mới “té ngửa” khi phát hiện có 2 người nữa cũng đã mua lại ngôi nhà này. Họ cũng có tập giấy tờ viết tay hệt như của chủ nhà cũ đưa cho bà. 

Tìm lại chủ cũ của ngôi nhà thì điện thoại, facebook đều không liên lạc được. Do đang có tranh chấp nên bà Tuyết không thể sử dụng ngôi nhà cũng không biết làm sao để đòi lại tiền khi người bán đã “cao chạy xa bay”.

Anh Bình và bà Tuyết chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp phải nhận “trái đắng” vì chủ quan, tin tưởng vào các mối quan hệ thân quen khi giao dịch nhà, đất.

Hầu hết các trường hợp này đều thực hiện giao dịch bằng miệng hoặc giấy tờ viết tay, không tuân thủ các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật như thực hiện hợp đồng mua bán thông qua phòng công chứng, làm thủ tục đăng bộ, đóng thuế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại cơ quan quản lý đất đai…

Do đó, khi phát sinh tranh chấp, thiệt hại luôn thuộc về phía người mua. Nếu không có tranh chấp thì việc tiến hành các thủ tục hợp pháp sau đó cũng rất khó khăn. 

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn trong giao dịch nhà đất, các chuyên gia khuyến cáo người mua cần tuân thủ đầy đủ 5 yếu tố sau: 

Thứ nhất, xác minh mảnh đất có vướng tranh chấp, kiện tụng hay nằm trong dự án quy hoạch không? Bởi về nguyên tắc, nhà đất nằm trong quy hoạch sẽ không được mua bán. Để nắm được các thông tin này, cách chính xác nhất là liên hệ với UBND phường/xã; phòng TN&MT quận/huyện, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận/huyện… để nhờ cung cấp thông tin. 

Thứ hai, kiểm tra sổ đỏ. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định đến tính pháp lý của mảnh đất. Tốt nhất nên mua đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hợp pháp nhằm tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu có thu hồi.

Ngoài ra cũng cần xem xét kỹ diện tích của mảnh đất trong sổ đỏ gốc để tránh nhầm lẫn việc mảnh đất đang nằm trong một thửa lớn hơn hoặc có quy hoạch lộ giới mà không biết.  

Thứ ba, xác minh thông tin vay nợ, thế chấp. Nếu ngôi nhà, thửa đất đang bị thế chấp ngân hàng thì có thể nhận biết bằng cách xem ở bìa 4 (hoặc bìa 3) của sổ đỏ sẽ thấy thông tin thế chấp, hoặc đính kèm 1 tờ giấy riêng ghi thông tin thế chấp, giữa tờ này và sổ đỏ có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.

Trường hợp người bán muốn giấu thông tin thế chấp, họ sẽ gỡ tờ đó ra, khi quan sát sẽ thấy ở 1 góc, cạnh nào đó của sổ đỏ chỉ có 1 nửa dấu giáp lai. Trường hợp này tuy hiếm nhưng không phải không có.

Thứ tư, thu thập thông tin về căn nhà dự định mua thông qua bên thứ 3, hàng xóm, tổ dân phố… để đánh giá đầy đủ các yếu tố xung quanh về chủ đất, nguồn gốc đất và hiện trạng mảnh đất có đầy đủ, chính xác không.

Thứ năm, tiến hành giao dịch mua bán hợp pháp qua công chứng hoặc chứng thực để có thể đăng ký sang tên và sử dụng hợp pháp. Không nên giao dịch bằng miệng hoặc giấy tờ viết tay.

Theo Hà Nhung

Diễn đàn Doanh nghiệp