Mỹ đòi mảnh vỡ máy bay không người lái nghi bị phòng không Nga bắn rơi
Quân đội Mỹ cáo buộc phòng không Nga đứng sau vụ bắn rơi máy bay không người lái của Washington ở Libya tháng trước và yêu cầu bên bắn hạ trả mảnh vỡ của thiết bị này lại cho Mỹ.
>>Libya trên bờ vực nội chiến với nguy cơ chia cắt đất nước vĩnh viễn
>>Libya bên bờ vực cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt"
>>Chiến sự Libya "nóng" trở lại, Mỹ rút quân khẩn cấp
Reuters dẫn lời Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ cuối tuần qua cho hay vụ bắn hạ máy bay không người lái của Washington diễn ra ở gần thủ đô Tripol của Libya hồi tháng 11. Mỹ đã cáo buộc phòng không Nga đã thực hiện việc này và yêu cầu Moscow trả mảnh vỡ.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ Stephen Townsend cho biết ông tin những người vận hành hệ thống phòng không vào thời điểm đó “không biết đó là máy bay của Mỹ khi họ khai hỏa”.
“Nhưng họ chắc chắn đã biết thiết bị trên thuộc về ai lúc này và họ đang từ chối hoàn trả lại nó. Họ nói rằng họ không biết máy bay trên đang ở đâu nhưng tôi không tin điều đó”, ông Townsend nói với Reuters, tuy nhiên không diễn giải chi tiết về tuyên bố của mình.
Tuyên bố của Mỹ không nói rõ bên nào là bên bắn rơi máy bay nói trên mà chỉ nói về thiết bị đã bắn rơi. Reuters dẫn thông báo của phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ Christopher Karns cho hay vụ việc xảy ra ngày 21/11 và nói Mỹ tin rằng người vận hành hệ thống phòng không đã khai hỏa sau khi “nhầm lẫn máy bay Mỹ” với máy bay không người lái đối thủ.
Theo phía Mỹ, lính đánh thuê Nga hoặc lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar, tự xưng là Quân đội quốc gia Libya (LNA) là bên bắn rơi chiếc máy bay. Trong khi đó, lực lượng của Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) nói với Reuters rằng họ nghi lính đánh thuê Nga đứng sau vụ việc này.
Chính quyền Nga đã bác bỏ việc đưa lính đánh thuế ra chiến trường nước ngoài, nhấn mạnh rằng bất cứ công dân Nga nào chiến đấu ở nước ngoài là do họ tự nguyện làm như vậy. LNA cũng bác bỏ thông tin rằng họ nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng nước ngoài.
Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức GNA và chính trị gia Phương Tây cho hay từ tháng 9, LNA được cho đã nhận được sự hỗ trợ từ vài trăm lính đánh thuê từ một tổ chức của Nga.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã từ chối bình luận về vụ chiếc máy bay bị bắn rơi nhưng nói rằng ông tin Nga đang cố tham gia vào cuộc nội chiến Libya để tạo nên thế có lợi cho Moscow.
Trong khi đó, ông Townsend bày tỏ quan ngại sâu sắc về cái gọi là “vai trò ngày càng gia tăng của Nga tại Libya”, lo rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới “chủ quyền lãnh thổ của Lybia và nhiệm vụ chống khủng bố của Bộ Tư lệnh châu Phi”.
Bạo lực và chia rẽ đã phủ bóng Libya kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011. Sau biến động này, ông Haftar, 75 tuổi, trở về Libya và trở thành thủ lĩnh lực lượng đối lập và cuộc nội chiến tại quốc gia châu Phi đã kéo dài từ đó tới nay.
Đức Hoàng
Theo Reuters