Ngồi nhà, dân cũng làm được các thủ tục hành chính này
(PLO)- Người dân chỉ cần ngồi nhà thao tác, giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá sự hài lòng với cán bộ, công chức.
Chiều 9-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, đã bấm nút chính thức khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). Buổi khai trương được tường thuật trực tuyến tại 63 điểm cầu trên các tỉnh, TP trong cả nước.
Đây là kênh thông tin nhằm tương tác giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ là cơ quan được Thủ tướng giao phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập hệ thống từ máy tính, thiết bị di động được kết nối Internet để gửi.
Với cổng dịch vụ công này, người dân có thể theo dõi tiến trình xử lý và nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc trong quy định và thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Ngay sau thời điểm khai trương, ba cá nhân, doanh nghiệp tại Quảng Ninh, TP.HCM và Quảng Nam đã thao tác thực hiện đăng ký các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong vòng chưa đầy 5 phút đồng hồ, các nhân vật đã đăng ký thành công các dịch vụ mong muốn.
Tại TP.HCM, lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia được tổ chức trực tuyến tại sáu điểm cầu gồm: trụ sở UBND TP, UBND phường Hiệp Phú (quận 9), UBND phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú), UBND phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú), UBND xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) và khách sạn Majestic (quận 1).
Đầu giờ chiều 9-12, anh Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ TP.HCM) đã có mặt tại khách sạn Majestic (quận 1) để trực tiếp thực hiện đăng ký hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia trong ngày đầu ra mắt. Anh Nhàn cho biết bản thân rất hồi hộp để thực hiện đăng ký thủ tục cấp điện trung áp.
Sau khi hoàn thành mọi thao tác, anh Nhàn lập tức nhận được tin nhắn thông báo qua điện thoại. “Tôi thấy rất nhanh chóng và tiện lợi, mong có nhiều dịch vụ tích cực hơn đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, để tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người dân” - anh Nhàn nói.
Tại điểm cầu UBND phường Hiệp Phú, quận 9, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho hay ngay sau khi Cổng dịch vụ công trực tuyến được khai trương, UBND quận 9 sẽ thông tin rộng rãi trên website của quận, đồng thời yêu cầu các phường phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân khi họ có nhu cầu thực hiện.
Không chỉ chính quyền các cấp mà ngay cả người dân cũng bày tỏ sự quan tâm, niềm tin vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Phúc (một người dân sống ở quận 9, TP.HCM) cho biết ông có theo dõi báo chí và biết được rằng khi truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin thủ tục hành chính, thông tin về dịch vụ công, theo dõi trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính, theo dõi việc xử lý các phản ánh, kiến nghị và đánh giá mức độ hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…
Theo ông Phúc, lâu nay các cấp phường, quận đã có nhiều cách làm mới trong công tác cải cách hành chính để thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ cần một thao tác trên máy tính, điện thoại, người dân đã có thể nộp hồ sơ khi cần.
“Nhưng với Cổng dịch vụ công quốc gia, tôi thấy có điểm hay là người dân chỉ cần ngồi nhà mà không cần đến các cơ quan hành chính, truy cập một địa chỉ duy nhất bằng một tài khoản và tài khoản này có thể dùng để truy cập vào bất cứ cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương nào. Tức là người dân chúng tôi sẽ không phải mất công thao tác nhiều lần khi cần làm nhiều thủ tục, chỉ cần một lần đầu thì mọi thông tin sẽ được lưu giữ lại cho những lần sau. Rất hay, rất đáng mong chờ” - ông Phúc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Gái (người dân sống ở quận 9) cho hay bản thân bà rất mong chờ về việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia này.
“Ngoài việc tiết kiệm về thời gian và công sức của người dân, tôi thấy Cổng dịch vụ công quốc gia cũng sẽ là kênh kết nối trực tiếp người dân và chính quyền các cấp, từ phường, quận, cho đến trung ương. Vì theo như những gì báo chí thông tin, người dân không chỉ làm thủ tục trên cổng dịch vụ này mà còn có thể phản ánh những vướng mắc, khó khăn trực tiếp lên đó. Thông tin phản ánh sẽ đi thẳng trực tiếp đến lãnh đạo ở cấp cao hơn để họ thấy và giải quyết, nếu được như thế thì đó là tín hiệu đáng mừng. Có những cái người dân, doanh nghiệp cần sự xử lý nhanh của chính quyền thì tôi cho rằng đó là điều đáng hoan nghênh” - bà nói.
Trao đổi với phóng viên PLO ở điểm cầu ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia tại UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, ông Huỳnh Thụy, một người dân ở khu phố 1, phường Sơn Kỳ, phấn khởi: Có cổng này có lẽ dân là người vui mừng nhất. Bởi từ xưa đến nay người dân rất bị ám ảnh cái cảnh chờ đợi khi làm những thủ tục hành chính. Chưa kể, nếu đi làm quên mang theo một loại giấy tờ gì là phải chạy tới chạy lui bổ sung rất mất thời gian và công sức. Cổng dịch vụ công được triển khai thì dân chỉ cần ngồi nhà thực hiện thao tác trên máy tính hoặc trên chiếc điện thoại một cách nhanh chóng, tiện lợi vô cùng.
“Trước đây, con tôi cấp thẻ BHYT ở tỉnh Long An nhưng về tạm trú tại TP.HCM và vô tình bị mất thẻ. Nếu như thủ tục trước đây, tôi phải về Long An để cấp giấy xác nhận nhưng với cổng dịch vụ công này, tôi chỉ cần ngồi nhà đăng ký và chờ ngày lên lấy thẻ BHYT. Như thế là quá tiện rồi còn gì” - chị Hòa An, quận Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết TP đã tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt là xây dựng hệ thống đánh giá hài lòng gắn với giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống đánh giá này, người dân và doanh nghiệp có thể đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của công chức, viên chức... Từ đó, có những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Sĩ, sau thời gian vận hành thử nghiệm, đến nay hệ thống đã hoạt động ổn định và phát huy được hiệu quả tích cực.
Đến nay, chủ tịch UBND TP đã công bố trên 500 quy trình nội bộ. Dự kiến đến tháng 2-2020, toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của TP sẽ được chuẩn hóa quy trình nội bộ, từ đó làm cơ sở xây dựng các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân ngồi nhà cũng đổi được bằng lái, bảo hiểm
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.
Đồng thời, tại đây cũng cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 còn cung cấp thêm một số dịch vụ công khác. Ví dụ tại TP.HCM là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là Đăng ký khai sinh…
Về lý do chọn những nhóm dịch vụ công trên, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), đây là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp.